Mua bán tài sản do nhân viên trong công ty trộm cắp thì bị xử lý thế nào?
Nội dung câu hỏi: Kính thưa Luật Sư tôi có một vấn đề cần không rõ xin Luật Sư tư vấn giúp ạ. Chuyện là tôi có mua một số mặt hàng gia dụng do siêu thị tuồn ra ngoài và bán rẻ. Tôi có mua với mức giá là 2.900.000d nhưng khi đến siêu thị thì bị nhân viên An Ninh giữ lại và có đánh tôi ép tôi phải ký tên nhận tội ăn cắp do bị đánh và hâm dọa tôi sợ quá nên đã nhận tội và bị tịch thu hàng đồng thồi phải bồi thường thêm số tiền tương ứng với giá bán của siêu thịTôi muốn hỏi bên An Ninh Siêu Thị như vậy là đúng hay sai. Tôi có thể kiện lại Siêu Thị hay không ạ? Xin cảm ơn Luật Sư
Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau
Do thông tin bạn cung cấp chưa cụ thể và đầy đủ nên công ty Luật Minh Gia chưa xác định được chính xác hành vi bạn thực hiện có phạm tội gì hay không. Tuy nhiên, có thể khẳng định được rằng việc nhân viên an ninh đánh bạn và ép buộc bạn phải ký nhận mình thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, đồng thời chiếm đoạt cái tài sản bạn đã mua và yêu cầu bạn bồi thường là hành vi vi phạm pháp luật. Bạn có thể đến cơ quan công an để trình báo sự việc, bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ Luật hình sự 2015 nếu như bạn không có hành vi lén lút nhằm chiếm đoạt tài sản đang có người khác quản lí.
"1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật…”
Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý vấn đề như sau: Nếu như bạn biết rõ tài sản bạn đã mua là do những nhân viên siêu thị có hành vi vi phạm pháp luật có được ( ví dụ như trộm cắp tài sản của công ty, chiếm đoạt tài sản của công ty,..) nhưng bạn vẫn thực hiện việc mua bán thì ban có thể bị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;…
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.
4. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Trong trường hợp này, những tài sản do vi phạm pháp luật mà có do bạn đã mua bán sẽ bị tịch thu.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.
Trân trọng
Phòng Luật sư tư vấn Hình sự- Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất