Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mở cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ có phải làm thủ tục đăng kí kinh doanh không?

Kính chào Quý Công ty ! Lời đầu tiên xin gởi đến Quý Công ty lời chúc Sức khỏe, thành công và thịnh vượng! Hiện nay tôi đang lên kế hoạch mở shop kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ gỗ. Nguồn hàng một phần do tôi tự sản xuất, một phần nhập lẻ từ các hộ gia công nhỏ lẻ không có đăng ký sản xuất kinh doanh.

 

Vậy khi tôi mở shop thì có cần xin giấy phép kinh doanh, có cần chứng minh nguồn gốc hàng hóa không ? Và chứng minh bằng cách nào ? Vì là mua lại từ các hộ gia công nhỏ lẻ không có hóa đơn chứng từ. Chân thành cảm ơn ! Chào thân ái !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề đăng ký kinh doanh:

 

Căn cứ Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định Nghĩa vụ đăng ký kinh doanh của thương nhân như sau:

 

“Thương nhân có nghĩa vụ đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật”.

 

Và Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định:

 

"1. Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

 

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

 

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

...

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác."

 

Theo đó, nếu bạn có ý định mở cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ gỗ thì bạn phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh vì bản chất đây sẽ là hoạt động kinh doanh diễn ra thường xuyên, liên tục, mục đích của hoạt động kinh doanh là thu lợi nhuận. Trong trường hợp này bạn có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh theo hộ gia đình.

 

Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cụ thể:

 

"1. Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

 

a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

 

b) Ngành, nghề kinh doanh;

 

c) Số vốn kinh doanh;

 

d) Số lao động;

 

đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

 

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập."

 

Thứ hai, về việc chứng minh nguồn gốc hàng hóa:

 

Theo thông tin bạn cung cấp thì nguồn hàng bạn kinh doanh một phần do bạn tự sản xuất, một phần nhập lẻ từ các hộ gia công nhỏ lẻ thì bạn cần xác định gỗ bạn nhập đã là thành phẩm hay gỗ nguyên liệu? Trường hợp gỗ đã là thành phẩm thì bạn không cần chứng minh nguồn gốc hàng hóa, còn nếu là gỗ nguyên liệu thì bạn phải xuất trình được nguồn gốc hàng hóa bạn nhập về (có thể thông qua hóa đơn chứng từ,...). Khi bạn không xuất trình được xuất xứ hàng hóa thì sẽ vi phạm quy định về hàng hóa không có xuất xứ, nguồn gốc và có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 21 nghị định 185/2013/NĐ – CP, theo đó tùy vào giá trị hàng hóa vi phạm mà sẽ có mức xử phạt khác nhau nếu trị giá hàng hóa vi phạm dưới 1 triệu thì mức phạt tiền là 200 nghìn đến 400 nghìn, với giá trị hàng hóa vi phạm sẽ có mức phạt tương ứng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn luật Doanh nghiệp trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Phòng Luật sư tư vấn Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo