Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mở công ty liên doanh du lịch quốc tế như thế nào?

Kính gửi Luật sư công ty Luật Minh Gia. Tôi là Giám đốc – Người đại diện pháp luật của một công ty TNHH ba thành viên kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế. Công ty chúng tôi đã hoạt động 10 năm. Một trong các đối tác khách hàng của chúng tôi ở Thailand muốn hợp tác với chúng tôi mở một công ty liên doanh du lịch quốc tế, hoạt động độc lập với công ty hiện nay của chúng tôi.

Công ty liên doanh này chuyên tổ chức tour cho các đoàn khách dẫn Việt Nam từ đối tác Thailand này thôi. Chúng tôi mong được tư vấn trong các vấn đề sau:

1/ Ưu – nhược điểm của hình thức liên doanh này đối với Công ty của chúng tôi là gì?

2/ Hồ sơ thủ tục, thời gian xin giấy phép thành lập công ty liên doanh kinh doanh lữ hành quốc tế này? Nếu chúng tôi thuê công ty Luật Minh Gia thực hiện mọi thủ tục đến khi có giấy phép hợp pháp thì mất bao lâu, chi phí bao nhiêu? Ðại diện 2 bên của chúng tôi có mất nhiều thời gian tham gia vào quá trình xin giấy phép thành lập này không? Chúng tôi muốn giảm mọi thủ tục đi lại, tham gia vào việc này đến mức tối đa.

3/ Xin tư vấn hình thức góp vốn, ban điều hành, tính toán chi phí hoạt động v.v. của công ty này cho phía chúng tôi (công ty Việt Nam) và bên đối tác (công ty Thailand)?

4/ Chúng tôi nên đứng trên danh nghĩa của công ty hiện tại để tham gia công ty liên danh này? Hay chúng tôi nên tham gia với tư cách cá nhân, không liên quan gì đến công ty hiện tại? Nếu một trong ba thành viên của công ty TNHH hiện tại tham gia vào công ty liên doanh này với tư cách cá nhân thì có vi phạm gì đến quyền lợi của 2 thành viên còn lại trong công ty TNHH?

5/ Tôi có thể cùng lúc làm GÐ – Người đại diện pháp luật của hai công ty không?

Chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Gia. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1/ Ưu – nhược điểm của hình thức liên doanh này đối với Công ty của chúng tôi là gì?

- Ưu điểm của liên doanh

+ Liên doanh cho phép các công ty chia sẻ công nghệ và các tài sản sở hữu trí tuệ có tính chất bổ sung liên quan đến sản phẩm, phân phối hàng hóa và dịch vụ sáng tạo.

+ Đối với các tổ chức nhỏ với việc thiếu nguồn tài chính và/hoặc khả năng quản lý chuyên môn thì liên doanh có thể là một biện pháp hữu hiệu để có được nguồn vốn cần thiết khi thâm nhập vào thị trường mới. Điều này có thể đặc biệt đúng ở các thị trường hấp dẫn khi mà các đối tác địa phương, sự tiếp cận với hệ thống phân phối và yêu cầu về chính trị có thể làm cho liên doanh được ưu tiên hơn hoặc thậm chí là một giải pháp có tính pháp lý cần thiết.

+ Liên doanh có thể được sử dụng nhằm làm giảm căng thẳng chính trị cũng như nâng cao khả năng chấp nhận của địa phương/quốc gia đối với công ty

+ Liên doanh có thể cung cấp kiến thức chuyên môn về các thị trường địa phương, thâm nhập vào các kênh phân phối cần thiết và tiếp cận được với nguồn cung cấp nguyên liệu thô, các hợp đồng của chính phủ và phương tiện sản xuất địa phương.

+ Ở nhiều quốc gia, các công ty liên doanh ngày càng trở nên quan trọng đối với chính phủ nước sở tại. Công ty liên doanh có thể được thành lập trực tiếp với các doanh nghiệp nhà nước hoặc hướng tới các doanh nghiệp mạnh nhất của quốc gia.

+ Các tập đoàn quốc tế hoặc liên minh tạm thời được thành lập ngày càng nhiều để thực hiện các dự án đặc biệt được coi là quá lớn đối với các công ty riêng lẻ (ví dụ, các dự án phòng thủ quan trọng, các dự án dân dụng, dự án đầu tư mạo hiểm công nghệ toàn cầu mới).

+ Việc kiểm soát giao dịch có thể cản trở công ty xuất khẩu vốn và như vậy sẽ khiến cho nguồn vốn của các chi nhánh mới ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Vì thế, việc cung cấp bí quyết kỹ thuật có thể được sử dụng nhằm giúp công ty có được một số cổ phần nhất định trong liên doanh, trong khi đó đối tác địa phương có thể tiếp cận được với nguồn vốn cần thiết.

- Nhược điểm của liên doanh

+ Vấn đề quan trọng là rất khó để liên doanh hội nhập vào chiến lược toàn cầu mà bản chất là thương mại xuyên biên giới. Trong những trường hợp như vậy, sẽ có những vấn đề khó tránh khỏi liên quan đến sự chuyển giá và nguồn xuất khẩu từ trong ra và từ ngoài vào, đặc biệt là nhằm hỗ trợ các chi nhánh do công ty sở hữu toàn bộ ở các nước khác.

+ Xu hướng hướng đến một hệ thống quản lý tiền tệ toàn cầu, thông qua một quỹ trung ương, có thể dẫn đến mâu thuẫn giữa các đối tác khi công ty mẹ cố gắng áp đặt giới hạn hoặc thậm chí hướng đến việc sử dụng tiền mặt và vốn hoạt động, quản lý ngoại hối, số lượng và phương tiện thanh toán lợi nhuận.

+ Vấn đề quan trọng khác là khi mục tiêu của các đối tác trở nên mâu thuẫn. Ví dụ, doanh nghiệp đa quốc gia có thể có thái độ hoàn toàn khác trước những rủi ro so với các doanh nghiệp địa phương và có thể được chuẩn bị để chấp nhận thiệt hại trong ngắn hạn nhằm phát triển thị phần, chịu những khoản nợ cao hơn hoặc chi phí nhiều hơn cho quảng cáo. Tương tự, mục tiêu của các đối tác có thể bị thay đổi theo thời gian, đặc biệt là việc thành lập các chi nhánh do các công ty sở hữu toàn bộ thay thế cho liên doanh nhằm tiếp cận thị trường thường diễn ra đối với các công ty đa quốc gia.

+ Vấn đề liên quan đến cơ cấu quản lý và nhân số của liên doanh.

+ Nhiều liên doanh thất bại vì mâu thuẫn về lợi tức thuế giữa các bên tham gia.

2/ Hồ sơ thủ tục, thời gian xin giấy phép thành lập công ty liên doanh kinh doanh lữ hành quốc tế này? Nếu chúng tôi thuê công ty Luật Minh Gia thực hiện mọi thủ tục đến khi có giấy phép hợp pháp thì mất bao lâu, chi phí bao nhiêu? Đại diện 2 bên của chúng tôi có mất nhiều thời gian tham gia vào quá trình xin giấy phép thành lập này không?

Căn cứ theo các quy định trong Luật doanh nghiệp 2014. Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Luật đầu tư quy định:

Chuẩn bị hồ sơ.

Thành lập công ty liên doanh là thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời với việc thành lập công ty. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Để thành lập công ty liên doanh nhà đầu tư cần chuẩn bị hồ sơ chứa đựng các tài liệu sau:

Trường hợp của công ty bạn - nhà đầu tư là pháp nhân hồ sơ thành lập doanh nghiệp liên doanh cần có: 

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty;

– Giấy chứng nhận mã số thuế Công ty;

– Điều lệ Công ty;

– Báo cáo tài chính Công ty trong 02 năm gần nhất (Nếu có);

– Quyết định của Công ty về việc đầu tư tại Việt Nam;

– Thư chỉ định người đại diện Công ty tại Việt Nam;

– Bản sao hộ chiếu người đại diện Công ty;

– Bản sao hộ chiếu người đại diện phần vốn góp của Công ty;

– Xác nhận số dư tài khoản công ty tương ứng với số vốn đăng ký đầu tư;

Lưu ý: Giấy tờ nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự không quá 03 tháng trước thời điểm nộp hồ sơ và công chứng dịch sang tiếng Việt Nam

Giấy tờ liên quan khác

– Hợp đồng liên doanh;

– Thỏa thuận nguyên tắc về việc thuê nhà, đất làm địa điểm triển khai dự án;

– Bản sao sổ đỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của địa điểm triển khai dự án;

– Và các biểu mẫu hồ sơ quy định trong Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT

Các bước xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư công ty

1. Nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa (BPMC)sở kế hoạch và đầu tư/ Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (SKH&ĐT/BQLKCN).

Một số cơ quan chưa có BPMC nhà đầu tư thực hiện nộp hồ sơ tại phòng văn thư hoặc phòng ban khác theo quy định cụ thể của từng địa phương;

2. Sở KH&ĐT/BQLKCN: thụ lý hồ sơ, ra Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc trình UBND Thành phố/Giám đốc BQLKCN phê duyệt;

3. Nhà đầu tư nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại BPMC. Nếu hồ sơ không hợp lệ: kết quả là Thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau khi sửa đổi hồ sơ, nhà đầu tư nộp lại hồ sơ tại BPMC và thực hiện theo trình tự như lần nộp đầu tiên;

Xin cấp Giấy chứng nhận mã số thuế và dấu công ty

Sau khi Giấy chứng nhận đầu tư được cấp, nhà đầu tư liên hệ

– Cục thuế tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương để xin cấp Giấy chứng nhận mã số thuế công ty.

– Công an tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương để xin cấp Dấu và Giấy chứng nhận mẫu dấu công ty.

3/ Xin tư vấn hình thức góp vốn, ban điều hành, tính toán chi phí hoạt động v.v. của công ty này cho phía chúng tôi (công ty Việt Nam) và bên đối tác (công ty Thailand)?

Về các hình thức góp vốn, công ty có thể góp bằng tiền mặt, tài sản phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bạn.

Và các vấn đề về ban điều hành, chi phí hoạt động, hạch toán,... bạn có thể tham khảo thêm tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC.

4/ Chúng tôi nên đứng trên danh nghĩa của công ty hiện tại để tham gia công ty liên danh này? Hay chúng tôi nên tham gia với tư cách cá nhân, không liên quan gì đến công ty hiện tại? Nếu một trong ba thành viên của công ty TNHH hiện tại tham gia vào công ty liên doanh này với tư cách cá nhân thì có vi phạm gì đến quyền lợi của 2 thành viên còn lại trong cong ty TNHH?

Thành lập công ty liên doanh là thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời với việc thành lập công ty. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Để thành lập công ty liên doanh nhà đầu tư cần chuẩn bị các tài liệu sau:

1. Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân:

– Bản sao công chứng CMTND/hộ chiếu còn hiệu lực;

– Xác nhận số dư tài khoản tương ứng với số vốn đăng ký đầu tư;

2. Trường hợp nhà đầu tư là pháp nhân:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty;

– Giấy chứng nhận mã số thuế Công ty;

– Điều lệ Công ty;

– Báo cáo tài chính Công ty trong 02 năm gần nhất (Nếu có);

– Quyết định của Công ty về việc đầu tư tại Việt Nam;

– Thư chỉ định người đại diện Công ty tại Việt Nam;

– Bản sao hộ chiếu người đại diện Công ty;

– Bản sao hộ chiếu người đại diện phần vốn góp của Công ty;

– Xác nhận số dư tài khoản công ty tương ứng với số vốn đăng ký đầu tư;

Thì bạn có thể tham gia vào công ty này với tư cách là cá nhân hay pháp nhân đều được, đảm bảo đáp ứng quy định pháp luật.

5/ Tôi có thể cùng lúc làm GĐ – Người đại diện pháp luật của hai công ty không?

Phụ thuộc vào trường hợp cụ thể, hình thức của 2 công ty hiện nay là gì, công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân...? mà pháp luật có quy định khác nhau.

Theo Luật doanh nghiệp 2014 quy định giám đốc công ty cổ phần thì vẫn có thể làm người đại diện theo pháp luật hợp pháp của công ty trách nhiệm hữu hạn, trừ trường hợp đó doanh nghiệp đó là doanh nghiệp nhà nước.

Bạn có thể tham khảo thêm quy định tại Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp:

“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

5. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

6. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

7. Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.”

Tuy nhiên, phía công ty bạn tiến hành hoạt động liên doanh với công ty nước ngoài với mục đích kinh doanh ngành nghề du lịch, theo quy định tại điều 51 của luật du lịch 2005 có quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức liên doanh thì được kinh doanh lữ hành tại Việt Nam nhưng không được thực hiện thủ tục đưa khách du lịch từ Việt Nam ra nước ngoài du lịch. 

"Điều 51. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài

1. Doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh lữ hành tại Việt Nam theo hình thức liên doanh hoặc hình thức khác phù hợp với quy định và lộ trình cụ thể trong điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong trường hợp liên doanh thì phải liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

2. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài phải bảo đảm các điều kiện kinh doanh lữ hành quốc tế quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 46 của Luật này; có các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế quy định tại các điều 39, 40 và 50 của Luật này, phù hợp với phạm vi kinh doanh lữ hành quốc tế ghi trong giấy phép đầu tư".

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn