LS Thanh Hương

Miễn giảm học phí quy định thế nào?

Chào văn phòng, nhờ luật sư tư vấn trường hợp nhà trường truy thu học phí do đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, vấn đề miễn giảm tiền học phí như sau: Em hiện nay đang là sinh viên năm 2, ngành kế toán. Có thắc mắc muốn hỏi như sau: năm 1 (20xx-20xx) trường em thu học phí theo niên chế 6triệu7/năm (năm 2: 7triệu4, năm 3: 8triệu1, năm 4: 8triệu9), đến năm 2 (20xx-20xx) thì bắt đầu thu học phí theo hệ thống tín chỉ 210.000/chỉ và truy thu lại năm 1 (20xx-20xx)

Với lí do là tuy thu học phí theo niên chế nhưng trả lương cho giảng viên lại theo tiền số tín chỉ dạy nên có sự chênh lệch giữa thu theo niên chế và tín chỉ nên phải truy thu bù lại. Mà gia đình em là dân tộc thiểu số lại thuộc hộ nghèo (từ năm 201X-202x) nên được miễn giảm 100% học phí theo quy định của nhà nước, nhưng lại vẫn phải đóng khoản chênh lệch tiền giữa thu theo niên chế và thu theo tín chỉ;

Còn được giải thích là nếu như số lượng tiền tín chỉ mà trong năm học em học vượt quá số lượng tiền mà nhà nước trả (tức là quá 6tr7/năm) thì em phải đóng bù vào, nếu ít hơn thì sẽ được nhận lại vào ngày học cuối cùng năm 4. Nhưng nếu nói như vậy thì năm nào em cũng sẽ phải đóng chênh lệch vì học quá số tiền nhà nước trả.

Giải thích như vậy có đúng không ạ? Cho em hỏi thêm là đã nói giảm 100% tức là 0đ giờ lại nói học quá tiền mà đóng thêm vậy có thể coi là giảm 100% không? Như vậy là đúng hay sai ạ. (Năm 1: 43 chỉ, năm 2: 35 chỉ, năm 3: 62 chỉ, năm 4: 49 chỉ). Không kể đến việc nợ môn, học lại. Xin giúp giải đáp thắc mắc sớm cho em với ạ! Cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

- Quy định về học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp

Căn cứ theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP có quy định về Học phí tại Điều 5 như sau:

Điều 5. Học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp

7. Đối với các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp, việc quy định thu học phí do tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chủ động xây dựng theo các nhóm ngành, chuyên ngành phù hợp trên cơ sở bù đắp chi phí đào tạo và báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ở trung ương thông qua trước khi thực hiện. Riêng đối với các ngành, chuyên ngành đào tạo được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì mức học phí phải áp dụng theo quy định như khung học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư nêu tại Điều 5 Nghị định này.

Học phí trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước quản lý trực tiếp phải được các cơ sở giáo dục công bố công khai cho từng năm học và dự kiến cả khóa học trước khi tuyển sinh. Ngân sách Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho người học thuộc diện được miễn, giảm học phí đang học tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý tính theo mức trần học phí tương ứng với các chương trình đào tạo đại trà của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư quy định tại Nghị định này.

Ngân sách Nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho người học thuộc diện được miễn, giảm học phí đang học tại các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý tính theo mức trần học phí tương ứng.

Theo quy định trên thì mức cấp bù học phí của những người được miễn học phí như bạn chỉ được chi trả theo mức trần học phí tương ứng với các chương trình đào tạo đại trà của nhà trường. Các mức trần học phí với từng ngành, nghề đào tạo, bậc đào tạo được quy định cụ thể tại Khoản 1, 2, 3, 4 – Điều 5 Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Như vậy, khi xem xét cấp bù học phí cho bạn, ngân sách nhà nước chỉ chi trả cao nhất bằng mức trần học phí theo quy định trên, số tín chỉ bạn học thêm, học vượt mà quá mức trần học phí đó thì cũng chỉ được chi trả trong giới hạn mức này.

Vấn đề truy thu đóng tiền học phí năm nhất với lí do là truy thu học phí theo niên chế nhưng trả lương cho giảng viên lại theo tiền số tín chỉ và có sự chênh lệch nguồn thu thì nhà trường phải đưa ra được căn cứ rõ ràng cho việc truy thu đó. Nếu không đưa ra căn cứ rõ ràng thì nhà trường không có cơ sở để tiến hành truy thu học phí cho năm học thứ nhất.

- Quy định về miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

Bên cạnh đó, Điều 11 Nghị định này có quy định về cơ chế miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập như sau:

Điều 11. Cơ chế miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập

1. Việc miễn, giảm học phí sẽ được thực hiện trong suốt thời gian học tập tại nhà trường, trừ trường hợp có những thay đổi về lý do miễn hoặc giảm học phí.

2. Ngân sách nhà nước có trách nhiệm cấp bù trực tiếp học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm quy định tại Nghị định này và đang học tại cơ sở giáo dục đó với mức thu học phí tương ứng với từng cấp học. Hàng năm việc cấp bù học phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện việc miễn, giảm phải được quyết toán đầy đủ, công khai, minh bạch.

...

Căn cứ theo quy định trên thì việc cấp bù học phí cho những đối tượng được miễn giảm học phí như bạn được thực hiện hàng năm, chứ không phải đợi hết 4 năm của quá trình học như nhà trường nói với bạn. Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn cần làm việc lại với Ban giám hiệu nhà trường để trình bày rõ và giải quyết vấn đề.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo