Hoài Nam

Ly thân là gì? Ly thân và ly hôn khác nhau thế nào?

Ngày này, trong đời sống vợ chồng thường khó tránh khỏi những tranh cãi, bất đồng quan điểm. Điều đó là nguyên nhân khiến cho tình cảm gia đình bị rạn nứt, dần trở nên sa sút. Nhiều cặp vợ chồng sẽ tìm giải pháp để hàn gắn tình cảm nhưng một số khác lại chọn cách ly thân hoặc ly hôn để giải thoát cho bản thân mình. Vậy ly thân là gì? Ly hôn và ly thân khác nhau như thế nào?

1. Ly thân là gì?

- Ly thân là dùng để mô tả quan hệ vợ chồng mà theo đó hai người không còn chung sống, ăn ở với nhau nhưng vẫn chưa ly hôn. Vợ chồng tự thỏa thuận với nhau để sống ly thân chứ không cần yêu cầu tòa án giải quyết, trên phương diện pháp lý thì họ vẫn là vợ chồng hợp pháp, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của vợ chồng. Hiện nay, theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) thì chưa có khái niệm pháp lý về ly thân.

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật HN&GĐ năm 2014).

Video luật sư tư vấn nhanh về ly thân, ly hôn

2. Ly thân và ly hôn khác nhau thế nào?

Ly thân và ly hôn đều có nguyên nhân xuất phát từ những mâu thuẫn gia đình khiến cho cuộc sống vợ chồng trở nên bế tắc, tình cảm rạn nứt, không còn mặn nồng và không muốn tiếp tục sống chung với nhau.

Căn cứ vào khái niệm ly thân và ly hôn thì có thể thấy sự khác nhau được thể hiện qua các tiêu chí sau:

Thứ nhất, về hậu quả pháp lý

- Ly thân chỉ là hình thức vợ chồng không còn chung sống với nhau trên thực tế nhưng trên phương diện pháp lý, giữa họ vẫn tồn tại quan hệ vợ chồng và được pháp luật thừa nhận. Vợ chồng ly thân vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng theo Luật HN&GĐ.

- Ly hôn là hình thức làm chấm dứt quan hệ vợ chồng trên phương diện pháp lý. Quan hệ vợ chồng được chấm dứt theo quyết định, bản án của tòa án. Kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật thì họ không còn là vợ chồng của nhau và không có các quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Thứ hai, thủ tục thực hiện ly thân và ly hôn

- Ly thân là do vợ chồng tự thỏa thuận không chung sống với nhau nữa mà không cần yêu cầu tòa án giải quyết. Sau một thời gian ly thân nếu vợ chồng còn tình cảm, muốn quay lại thì họ có thể trở về chung với với nhau như trước.

- Ly hôn là việc vợ chồng yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết. Ly hôn có hai kiểu là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương. Ly hôn thuận tình là việc vợ chồng tự nguyện thỏa thuận được với nhau về vấn đề ly hôn, nuôi dưỡng con, chia tài sản chung và yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận đó. Ly hôn đơn phương là một bên vợ/chồng gửi đơn ly hôn đến tòa án yêu cầu giải quyết việc ly hôn, chia tài sản chung, quyền nuôi dưỡng con. Sau khi ly hôn, vợ chồng còn tình cảm có thể quay lại chung sống với nhau nhưng nếu họ muốn được pháp luật công nhận thì phải thực hiện lại thủ tục đăng ký kết hôn.

3. Tư vấn quy định về ly thân, ly hôn

Trên thực tế, khi xảy ra tranh cãi, xung đột đến mức không thể tiếp tục chung sống thì tùy từng trường hợp mà vợ chồng có thể lựa chọn ly thân hoặc ly hôn. Đối với ly thân thì vợ chồng có thể tự thỏa thuận, tự thực hiện còn ly hôn thì cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục và đáp ứng các điều kiện luật định.

---

4. Trả lời câu hỏi tư vấn về việc đơn phương ly hôn

Câu hỏi:

Chào luật sư, tôi và vợ tôi có đăng ký kết hôn vào năm 2015, cả hai có 1 con chung năm nay 7 tuổi. Trong quá trình chung sống, vợ chồng tôi có xảy ra nhiều mẫu thuẫn và đỉnh điểm là tôi có bằng chứng cô ý đi ngoại tình với người khác. Hiện tại tôi muốn đơn phương ly hôn thì thủ tục như thế nào? Xin cảm ơn luật sư.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về điều kiện đơn phương ly hôn

Căn cứ quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình về điều kiện đơn phương ly hôn như sau:

Xem quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên"

Theo quy định trên, khi yêu cầu đơn phương ly hôn thì tòa án sẽ tổ chức hòa giải để hai bên vợ chồng có cơ hội hàn gắn lại tình cảm gia đình. Trường hợp tiến hành hòa giải không thành thì Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn nếu có các căn cứ về việc vợ, chồng có các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được.

- Đối với trường hợp của bạn, vợ bạn có hành vi ngoại tình là vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng, trường hợp hòa giải không thành thì bạn cần đưa ra các chứng cứ chứng minh vợ ngoại tình để tòa án giải quyết cho ly hôn.

Thứ hai, về thủ tục đơn phương ly hôn

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật HN&GĐ năm 2014 về thụ lý đơn xin ly hôn và giải quyết ly hôn như sau:

“Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Theo quy định trên, người có yêu cầu ly hôn cần nộp đơn ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS).

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 BLTTDS năm 2015 về những tranh chấp về hôn nhân thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án như sau:

“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.”

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền của TAND cấp huyện như sau:

“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:

a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015 về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ như sau:

“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”

Trong vụ việc đơn phương ly hôn, vợ, chồng có yêu cầu ly hôn đươc gọi là nguyên đơn, người còn lại là bị đơn. Theo các quy định trên, tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn là TAND cấp huyện tại nơi bị đơn cư trú. Bạn có thể gửi đơn ly hôn đến TAND cấp huyện nơi vợ đang cư trú để thụ lý và giải quyết theo quy định pháp luật.

Về hồ sơ đơn phương ly hôn cần chuẩn bị như sau:

"Xem hướng dẫn về hồ sơ, giấy tờ ly hôn đơn phương"

Về thời hạn giải quyết, trường hợp đơn phương ly hôn thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm là 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng. Như vậy, thời hạn trung bình để Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn sẽ giao động từ 04 – 06 tháng.

Trường hợp buộc phải giải quyết tranh chấp tại toà án, bạn có thể liên hệ dịch vụ ly hôn tại Luật Minh Gia để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo