Phạm Diệu

Ly hôn vì bị chồng bạo hành, có quyền được nuôi con không?

Luật sư tư vấn về trường hợp chồng có hành vi đánh đập, bạo hành gia đình, khi ly hôn vợ muốn giành quyền nuôi con. Nội dung tư vấn như sau:

Vợ chồng tôi kết hôn được hơn 2 năm.có 1 bé gái 17,5 tháng.trong suốt thời gian đó chồng tôi rất hay bạo hành tôi về cả tinh thần và thể xác,đánh đập tôi nhiều lần kể cả lúc tôi đang mang thai.cả 2 đều không có việc làm.chỉ dựa vào bố mẹ chồng và làm rẫy cho ông bà cưới năm trả cho 20tr.hiện nay tôi đang mang thai 3 tháng.cách đây hơn 1 tuần tôi phải gửi con đi nhà trẻ để đi làm thêm trong chợ.(vì trước đó rất nhiều lần chồng tôi chửi tôi "kiếm việc mà làm đừng ngồi 1 chỗ chờ người mang tiền đến mà ăn",cho con bú ngủ quên thì tạt cả chậu nước vào người rồi đánh tôi,vứt quần áo ra đường đuổi tôi đi...và nhiều lần khác nữa)thì chồng tôi gọi tôi về và đánh tôi.tôi trốn đưa con lên nhà anh chị tôi gần đó để trốn và chờ a tôi về nói chuyện thì chồng tôi và chị chồng lên nhà anh chị tôi cướp con gái tôi đi mà không nói lời nào.cả 2 (chồng và chị chồng) xông vào đánh tôi vùi vào bụi cây bên lề đường mặc dù biết tôi đang mang thai.không ai can thiệp được hết.nay tôi muốn nhờ luật sư tư vấn cho tôi: tôi biết theo luật pháp thì con dưới 36th thì được mẹ nuôi.hiện tại tôi đã xin được việc làm kế toán tại công ty anh trai tôi.nhưng 1 mình tôi không thể nuôi 1 lúc được 2 đứa con.tôi đã phá thai.vậy tôi có được quyền nuôi đứa con gái đầu không. (vì chồng tôi có giấy chứng nhận bị tâm thần do chất độc da cam nhưng thực ra không bị gì cả.vẫn là 1 người bình thường.bố chồng tôi đi chiến tranh.nên giờ làm giả được giấy tờ là chồng tôi bị tâm thần để hưởng chế độ nhà nước).

Trả lời: Cảm ơn chị đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về hành vi bạo lực gia đình

Tại Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định các hành vi bạo lực gia đình như sau:

Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.”

Theo như thông tin chị cho biết, chồng chị thường xuyên bạo hành về cả tinh thần và thể xác, đồng thời nhiều lần đánh đập chị kể cả lúc chị đang mang thai, đây được coi là hành vi bạo lực gia đình.

Như vậy, khi người chồng có những hành vi đánh đập, lăng mạ, xua đuổi hay những hành vi khác nêu trên thì chị có thể gửi đơn tố giác tới cơ quan công an cấp quận/ huyện hoặc UBND xã/phường để được giải quyết. Đồng thời, khi nộp đơn chị cần kèm theo những bằng chứng xác thực.

Tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà chồng chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP như sau:

Đối với hành vi đánh đập, chồng chị sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình."

...

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.”

Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, chồng chị sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Và với hành vi xua đuổi có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.

Thứ hai, về quyền nuôi con sau khi ly hôn

Tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

 1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

 2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

 3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Căn cứ quy định trên, vợ chồng chị có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án xem xét ra quyết định. Tòa án sẽ xem xét ai là người trực tiếp nuôi con dựa vào việc xem xét quyền lợi về mọi mặt của con, theo đó người trực tiếp nuôi con phải có các điều kiện như: nhân thân tốt và khả năng tài chính ổn định, lâu dài, có thời gian để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, hiện tại con gái chị được 17,5 tháng. Trường hợp này, Tòa án sẽ giao trực tiếp cho chị nuôi. Tuy nhiên, nếu người chồng có tranh chấp về con thì chị cần phải chứng minh chị đủ điều kiện (về nhân thân, tài chính) để nuôi dạy con và chị cũng phải chứng minh người chồng không đủ các điều kiện nuôi con. Tòa án sẽ xem xét dựa trên căn cứ chị chứng minh được và ra quyết định giao con cho ai nuôi.

Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng và quyền thăm nuôi con:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169