Triệu Lan Thảo

Ly hôn tách khẩu mà gia đình chồng không đồng ý có được không?

Luật sư tư vấn trường hợp đơn phương ly hôn với chồng. Sau đó phía bên chồng tôi kháng cáo. Hồ sơ được chuyển lên tỉnh.Được triệu tập để phúc thẩm nhưng do làm ăn xa không về được. Từ đó tới giờ thì không hay tin tức gì về vụ việc nữa. Vậy nên gặp ai để hỏi và giải quyết . Và ttrường hợp muốn tách khẩu nhưng bên nhà chồng không đồng ý lại chưa rõ kết quả ly hôn thì có thể tách được khẩu được không

Nội dung tư vấn: Tôi 27 tuổi Tháng 4/2017 tôi có đơn phương ly hôn với chồng. Ngày 19/6/2017 phiên toà xét xử. Tôi được ly hôn với chồng Sau đó phía bên chồng tôi kháng cáo. Hồ sơ được chuyển lên tỉnh Đến tháng 11/2017 tôi được triệu tập để phúc thẩm nhưng do làm ăn xa không về được. Từ đó tới giờ thì không hay tin tức gì về vụ việc nữa. Vậy tôi nên gặp ai để hỏi và giải quyết ạ. Và tư vấn giúp tôi tôi muốn tách khẩu nhưng bên nhà chồng không đồng ý lại chưa rõ kết quả ly hôn vậy tôi có thể tách được khẩu ra không ạ. Mong được giải đáp. Tôi xin chân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

Trường hợp của bạn do bạn vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm nên căn cứ theo khoản 3 Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về hoãn phiên tòa phúc thẩm như sau:

 

“…Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.

 

Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.”

 

Bạn không nói rõ việc bạn đã được tòa triệu tập lần 2 chưa nên nếu bạn đã được triệu tập hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vụ án.

 

Về kết quả xét xử phúc thẩm thì căn cứ theo Điều 315 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc gửi bản án, quyết định phúc thẩm thì:

 

“Điều 315. Gửi bản án, quyết định phúc thẩm

 

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

 

Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.”

 

Theo quy định này thì nếu bạn không nhận được bản án, quyết định phúc thẩm thì bạn có thể liên hệ trực tiếp với Tòa án.

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 27 luật Cư trú 2006 sửa đổi bổ sung năm 2013, các trường hợp được tách hộ khẩu bao gồm:

 

“a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu.

 

 b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 điều 25 và khoản 2 điều 26 của luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản”.

 

Trường hợp của bạn tách khẩu không cần sự đồng ý của chủ hộ. Vì vậy bạn có thể yêu cầu chồng mình cung cấp sổ hộ khẩu để bạn có thể làm thủ tục tách khẩu, nếu chồng bạn vẫn không hợp tác bạn có thể nhờ công an phường, xã can thiệp.

 

Ngoài ra bạn vẫn có thể tách hộ khẩu theo cách đăng ký hộ khẩu mới. Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục này, bạn phải có nơi cư trú hợp pháp, nghĩa là bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú mới theo thủ tục quy định tại điều 21 Luật Cư trú hiện hành quy định:

 

 “1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

 

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

 

b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

 

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

 

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

 

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

 

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

 

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

 

Sau khi thực hiện xong thủ tục này, bạn có thể tiến hành xóa đăng ký thường trú tại nơi ở cũ theo quy định tại điểm đ khoản 1 điều 22 Luật cư trú:

 

“Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xóa đăng ký thường trú:

 

đ: Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ”

 

Theo đó, thủ tục xóa hộ khẩu thường trú sẽ được thực hiện theo quy định tại thông tư số 35/2014/TT-BCA Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 quy định chi tiết một số đều và biện pháp thi hành luật cư trú:

 

"a) Đối với các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh

 

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho Công an huyện;

 

- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo việc xóa đăng ký thường trú của Công an xã, thị trấn; Công an huyện phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến và thông báo cho tàng thư căn cước công dân

 

b) Đối với các huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh

 

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo đã đăng ký thường trú của cơ quan đăng ký cư trú nơi công dân chuyển đến, phải thông báo cho người bị xóa đăng ký thường trú hoặc đại diện hộ gia đình mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký thường trú, xóa tên trong sổ hộ khẩu (đối với trường hợp không chuyển cả hộ), thông báo việc đã xóa đăng ký thường trú cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn; đồng thời, phải chuyển hồ sơ đăng ký thường trú cho Công an cùng cấp nơi công dân chuyển đến.

 

4. Quá thời hạn 60 (sáu mươi) ngày, kể từ ngày có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú mà đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú theo quy định thì Công an xã, phường, thị trấn nơi có người thuộc diện xóa đăng ký thường trú lập biên bản, yêu cầu hộ gia đình làm thủ tục xóa đăng ký thường trú. Sau thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày lập biên bản, nếu đại diện hộ gia đình không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú thì Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xóa đăng ký thường trú"

 

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn sẽ có hai cách để có hộ khẩu thường trú. Một là tách khẩu để nhập vào hộ khẩu người khác, hai là bạn có thể tự đăng ký để lập một sổ hộ khẩu mới khi đáp ứng các điều kiện mà PL quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

 

CV tư vấn: Dương Thị Thảo - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo