Cao Thị Hiền

Ly hôn nhưng một bên không đồng ý phải làm thế nào?

Trong những năm gần đây, xu hướng giới trẻ kết hôn chóng vánh rồi ly hôn diễn ra ngày càng nhiều. Việc đường ai nấy đi thường do mâu thuẫn, bất hòa trong cuộc sống khiến các bên không thể chung sống được với nhau và họ chủ động ly hôn. Vậy trong trường hợp một bên muốn ly hôn mà bên còn lại không đồng ý sẽ xử lý thế nào? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ giải đáp cho bạn.

1. Định nghĩa ly hôn

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Ly hôn được phân thành hai loại là thuận tình ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên.

  • Thuận tình ly hôn là việc vợ chồng đã thỏa thuận được về tất cả các vấn đề hôn nhân, con chung và tài sản.
  • Ly hôn theo yêu cầu của một bên là việc một trong hai bên vợ hoặc chồng nộp đơn ly hôn yêu cầu tòa án chấm dứt quan hệ hôn nhân.

2. Ly hôn nhưng một bên không đồng ý phải làm thế nào?

Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Theo đó, khi một bên không đồng ý ly hôn thì bên còn lại vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”

Ly hôn được xem là giải pháp cuối cùng để giải thoát cho các cặp vợ chồng khi cuộc sống hôn nhân lâm vào ngõ cụt, không thể cứu vãn. Tòa án sẽ giải quyết cho các bên nếu có căn cứ về hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

3. Thủ tục ly hôn khi một bên không đồng ý như thế nào?

Hồ sơ ly hôn đơn phương

  • Đơn ly hôn;
  • Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
  • Bản sao chứng minh nhân dân/Căn cước công dân
  • Giấy xác nhận cư trú;
  • Bản sao giấy khai sinh của các con (nếu có);
  • Giấy tờ chứng minh về tài sản, nợ chung của vợ chồng (nếu có).

Thủ tục ly hôn đơn phương

Bước 1: Nộp hồ sơ giải quyết ly hôn tại Tòa án

  • Đương sự nộp hồ sơ ly hôn tại Tòa án cấp huyện nơi cư trú, làm việc bị đơn (chồng hoặc vợ)
  • Hồ sơ ly hôn có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua đường bưu điện.

Bước 2: Nhận thông báo tiếp nhận đơn, thông báo về án phí

  • Sau khi nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo tiếp nhận đơn và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án.

Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí

  • Đương sự nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại Chi cục thi hành án cấp huyện và nộp lại biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án;

Bước 4: Thụ lý giải quyết ly hôn (hòa giải, mở phiên tòa xét xử ly hôn)

Thời hạn xét xử, giải quyết ly hôn từ 02 đến 06 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169