Ly hôn là gì? Giải quyết ly hôn do vợ/chồng vay nợ xã hội và bị làm phiền thế nào?
1.Tư vấn về hôn nhân gia đình.
Thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn là gì? Trình tự thủ tục đối với từng trường hợp ly hôn ra sao? Tài sản chung của vợ chồng sẽ được phân chia như thế nào? Nếu bạn gặp khó khăn hoặc không hiểu vấn đề này hoặc bất kỳ vấn đề pháp lý nào, đừng ngần ngại hãy liên lạc với chúng tôi qua hotline 1900.6169 để được hỗ trợ các vấn đề pháp lý như:
- Tư vấn về thủ tục ly hôn;
- Tư vấn về các trường hợp thuận tình hoặc đơn phương ly hôn;
- Tư vấn về tranh chấp quyền nuôi dưỡng con chung;
- Tư vấn về tranh chấp tài sản chung của vợ chồng
2. Tư vấn giải quyết ly hôn do vợ/chồng vay nợ xã hội và bị làm phiền thế nào
Câu hỏi tư vấn: Xin Chào luật sư! Xin luật sư tư vấn giúp tôi! Tôi kết hôn với vợ đến nay đã được 25 năm có hai con gái 15 và 11 tuổi. Hàng tháng tôi làm đều đưa hết lương cho vợ giữ (số tiền đủ để trang trải cuộc sống cơ bản cho cả gia đình) mà không bao giờ để tâm xem vợ chi tiêu như thế nào. Chính vì vậy vợ đã lừa dối sau lưng tôi, làm những gì tôi cũng không hề hay biết. Chỉ đến giờ này khi sự việc vỡ lở, tôi như chết đứng. Rất nhiều chủ nợ cho vay nặng lãi đã đến nhà đập phá đồ đạc đe dọa đến tính mạng, tài sản của cả gia đình tôi. Họ nói rằng vợ tôi đã vay họ có một số tiền khổng lồ, giờ phải trả. Rồi sau vài ngày, lừa lúc tôi không có nhà, vợ đã đã bỏ nhà trốn đi, mang theo toàn bộ sổ hộ khẩu, giấy tờ cá nhân, chỉ để lại một lá đơn ly hôn có kí sẵn và giấy kết hôn với 1 bản hộ khẩu photo công chứng từ lâu lắm rồi. Mấy ngày nay các chủ nợ vẫn tiếp tục đến quấy nhiễu, đập phá nhà cửa đồ đạc, đe dọa đến tính mạng của cả gia đình chúng tôi. Để đảm bảo an toàn cho hai con, tôi đã phải cùng hai con tạm thời lánh nạn đi trốn, phải xin nghỉ học cho 2 con, xin chuyển trường cho hai cháu. Cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn, tôi không thể đi làm được, không thể đảm bảo cuộc sống để lo cho hai đứa con đi học được. Vì vậy nên tôi muốn làm thủ tục ly hôn để giải quyết cho tôi yên ổn làm ăn, lo cho hai con. Vậy tôi xin hỏi thủ tục ly hôn; bây giờ làm như thế nào ạ (khi vợ chỉ để lại đơn li hôn kí sẵn, giấy kết hôn, không có hộ khẩu có giá trị sử dụng; và mang giấy tờ của bản thân bỏ nhà đi hơn tuần nay rồi)? Tôi nên giải quyết theo thuận tình li hôn hay ly hôn đơn phương, thủ tục từng trường hợp là như thế nào? Tôi nên chọn theo hình thức nào để thuận lợi nhất với tình trạng giấy tờ trên ạ? (Và xin đc cung cấp thêm giờ tôi cũng không thuận lợi để ra mặt xin được các giấy tờ cần thiết, vì chủ nợ săn lùng đe dọa liên tục; hộ khẩu vợ chồng và 2 con đều chung, tại tỉnh Y. Tôi rất mong Luật sư giúp tôi ạ! Trân trọng cảm ơn!
Trả lời tư vấn: Chào anh, cảm ơn anh đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của anh như sau:
Thứ nhất, về nghĩa vụ trả nợ
Theo thông tin anh cung cấp thì vợ chồng anh không có thỏa thuận gì về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Vậy nên tất cả tài sản được tạo ra kể từ thời điểm đăng ký kết hôn được xem là tài sản chung của vợ chồng được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 điều chỉnh như sau:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”
Đối với trường hợp vợ anh tự ý vay nợ một khoản tiền lớn xem xét xác định nghĩa vụ trả nợ này thuộc về cả hai vợ chồng hay không? Theo quy định tại Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản vợ chồng như sau:
“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
Theo quy định trên việc vợ anh là người đứng ra vay nợ và không cho anh biết, tuy nhiên vẫn chưa xác minh được số tiền vay này có mục đích sử dụng riêng hay không. Trường hợp các giao dịch mà do một bên vợ hoặc chồng xác lập để nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ và chồng phải chịu trách nhiệm liên đới theo Điều 27 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.
“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng
1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”
Trong trường hợp của anh, nếu khoản tiền vợ anh vay dùng để sử dụng vào nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình như: Sửa chữa nhà, chi phí sinh hoạt của gia đình, chi phí học tập của con…thì dù vợ anh không bàn bạc gì với anh và anh cũng không ký vào hợp đồng vay thì về nguyên tắc, cả hai vợ chồng đều phải có nghĩa vụ liên đới trả khoản nợ đó.
Còn nếu anh chứng minh được khoản tiền vợ vay để sử dụng với mục đích cá nhân, cụ thể trường hợp của vợ là tiêu riêng, làm ăn riêng và anh không biết không liên quan thì anh sẽ không có nghĩa vụ liên đới trả khoản vay đó.
Thứ hai, tư vấn về ly hôn.
Trong trường hợp này, vợ anh bỏ đi đã kí sẵn đơn ly hôn nhưng anh không nói rõ thông tin được ghi trong đơn về nghĩa vụ trả nợ được thỏa thuận ra sao và anh có đồng ý với thỏa thuận đó không. Tuy nhiên nếu anh đồng ý với thỏa thuận trong đơn mà vợ để lại thì đơn ly hôn anh nộp nên Tòa án có chữ ký của vợ anh và anh thì đây là trường hợp thuận tình ly hôn. Do đó Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc anh. Tòa án giải quyết việc ly hôn dựa trên sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận được về vấn đề chia tài sản và quyền nuôi con. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn thuận tình sẽ cần sự có mặt của vợ anh.
Trường hợp anh không đồng ý với thỏa thuận đơn vợ đã kí và yêu cầu giải quyết phần nghĩa vụ trả nợ hoặc trong trường hợp vợ anh không có mặt tại tòa án để thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn thì anh có thể làm thủ tục đơn phương xin ly hôn.
Hồ sơ xin ly hôn khi vợ bỏ đi, anh nộp tại Tòa án nhân dân cấp Huyện bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn
+ Bản chính giấy chứng nhận đăng ký kết hôn;
+ Bản sao sổ hộ khẩu thường trú/tạm trú (bảo sao được công chứng/chứng thực);
+ Bản sáo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu;
+ Các giấy tờ về tài sản (về khoản nợ);
+ Bản sao giấy khai sinh của các con.
Tòa án cấp Huyện tại nơi vợ anh cư trú hoặc thường trú sẽ có trách nhiệm triệu tập vợ anh đến tham gia phiên tòa. Sau 2 lần triệu tập mà vợ anh vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng thì tòa vẫn sẽ xử ly hôn vắng mặt.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất