Luật sư Vũ Đức Thịnh

Luật sư tư vấn về việc Ngăn cản ly hôn và các vấn đề liên quan

Nội dung hỏi tư vấn: Kính thưa Luật sư! tôi có vấn đề rất khó giải quyết rất cần sự tư vấn của Luật sư. Tôi và cô T cưới ngoài ý muốn năm 2009, lúc đó tôi không yêu nên không đăng ký kết hôn. Năm 2010 do không hợp nhau, mục đích hôn nhân không đạt nên tôi quyết định sống ly thân từ 2010 - đến nay (Không có quan hệ vợ chồng).

Trong quá trình tôi sống ly thân, cô T thường xuyên gọi điện thoại hay nhắn tin chửi bới, xúc phạm tôi và những người thân của tôi vì không cho tôi bỏ và không muốn bỏ tôi.Thấy sự việc phức tạp vì cô T cứ đeo bám và ngoài chửi bới còn phá ngang mọi chuyện kể cả công việc của tôi. Thấy vậy, Tôi nói khéo để đi đăng ký kết hôn tại UBND xã nơi tôi sinh ra, nhưng không nhập khẩu. Đến năm 2014 tôi có đơn xin ly hôn đã được Tòa án nơi cô T sinh ra giải quyết cho ly hôn với tình trạng hôn nhân trầm trọng. Thế nhưng sau đó cô T có đơn kháng án lên cấp phúc thẩm, cho dù không có tranh chấp tài sản hay gì khác (Chỉ đơn thuần tôi không hợp nên muốn chia tay và trách nhiệm nuôi con chung, con ở với mẹ). Sau khi cấp phúc thẩm xử nhưng tôi không được mời hay biết gì việc xử, sau đó tôi nhận được Bản án là bác đơn ly hôn của tôi và cho rằng tôi có quan hệ ngoài luồng và có công văn của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh TH đề nghị Tòa xem xét nguyện vọng muốn đoàn tụ của chị T. Nhưng với tôi không bao giờ muốn đoàn tụ, chỉ muốn ly hôn.

Vậy mà từ trước trước nữa cho đến bây giờ liên tục tôi nhận được cuộc gọi điện hay tin nhắn đe dọa xử tôi, giết tôi của cô T, mẹ cô T, kể cả những thành phần xấu (xã hội đen do mẹ cô T thuê). Bây giờ mẹ và cô T (gia đình cô T) đang gây sức ép đến cơ quan tôi, những người thân của tôi rằng tôi không thể bỏ, nếu bỏ thì sẽ xử lý tôi đến cùng. Xúc phạm bố mẹ và những người thân của tôi nhờ chuyển lời đến tôi rằng làm mọi cách cho tôi mất việc hoặc cho xã hội đen đổ axit, giết tôi.

Với những tình huống trên tôi mong muốn được tư vấn:

- Việc ly hôn không có tranh chấp tài sản lại được mở phúc thẩm, khi mở phúc thẩm tôi lại không hay biết, vậy đúng hay sai? nên làm thế nào?

- Việc Tòa cấp phúc thẩm bác đơn xin ly hôn của tôi chỉ vì Công văn của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh can thiệp và chỉ nghe một bên cô T nói về tình trạng hôn nhân, vậy đúng hay sai? nên làm thế nào?

- Khi Bản án của cấp phúc thẩm cho thời gian đoàn tụ 01 năm, sau 01 năm tôi mới được viết đơn xin ly hôn tiếp (Nếu giả xử tình huống lại lặp lại như trên) Tòa lại bác đơn của tôi, vậy đến bao giờ tôi ly hôn được? Trường hợp của tôi có áp dụng theo Nghị quyết số 02 của Hội đồng thẩm phán tối cao hay không? Khi bị Tòa án bác đơn ly hôn  thì sau một năm mới được viết đơn ly hôn lại. Nên làm thế nào?

- Việc gia đình cô T thường hay ngăn cản không cho tôi ly hôn và những hành động của họ đúng hay sai? dù chỉ mới dừng lại lời nói, còn sau này...?

- Việc gia đình cô T đi tìm kiếm, lục lọi để tìm chứng cứ các mối quan hệ của tôi hay quyết tìm bằng được người con gái cho là có quan hệ với tôi và là nhân vật chính để phá hạnh phúc của tôi với cô T. Dù bây giờ tôi không biết người đó ở đâu? Thuê người theo dõi tôi, lên nhà người (Nhân vật chính) chửi bới, lăng mạ họ, ép họ phải bảo con gái ra đối chứng.Vậy những việc làm này đúng hay sai, nên làm như thế nào?

- Nếu trường hợp gia đình cô T tìm được người con gái đó để đối chất và đánh đập hay thử ADN con của cô ấy, xem có phải con tôi không mới xử lý tôi, nếu có trường hợp này tôi phải làm như thế nào?

Luật sư tư vấn về việc Ngăn cản ly hôn và các vấn đề liên quan
Ngăn cản ly hôn và các vấn đề liên quan
 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau (Thời gian hỏi và trả lời tư vấn: Tháng 9/2015)

- Thứ nhất, về việc xét xử phúc thẩm vụ án dân sự

Tại Điều 263 Bộ luật tố tụng dân sự 2011 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm như sau:

"Toà án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị"

Như vậy, khi có đơn kháng cáo của đương sự hoặc kháng nghị của cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và thực chiện các thủ tục để mở phiên tòa.

Tại Khoản 1 Điều 264 Bộ luật Tố tụng dân sự 2011 quy định về Những người tham gia phiên tòa phúc thẩm như sau:

"1. Người kháng cáo, đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải được triệu tập tham gia phiên toà. Toà án có thể triệu tập những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên toà nếu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị."

Tuy nhiên, tại Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị như sau:

"1. Khi phúc thẩm đối với quyết định của Toà án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm không phải mở phiên toà, không phải triệu tập các đương sự, trừ trường hợp cần phải nghe ý kiến của họ trước khi ra quyết định."

Trường hợp của bạn là vợ bạn làm đơn kháng cáo đối với quyết định cho ly hôn của Tòa sơ thẩm. Do đó, khi Tòa cấp phúc thẩm giải quyết vấn đề này không phải mở phiên tòa và không phải triệu tập đương sự, trừ trường hợp cần phải nghe ý kiến của đương sự trước khi ra quyết định.

Như vậy, mặc dù không phải triệu tập đương sự nhưng Tòa phúc thẩm trong 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, phải có văn bản thông báo cho các đương sự về việc đã thụ lý vụ án.

- Thứ hai, việc Tòa căn cứ bác đơn ly hôn

Theo thông tin bạn cung cấp, Tòa cấp phúc thẩm bác đơn xin ly hôn của tôi chỉ vì Công văn của Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh can thiệp và chỉ nghe một bên cô T nói về tình trạng hôn nhân.

Như vậy, việc cơ quan có thẩm quyền chỉ nghe thông tin từ một phía và đã thực hiện theo yêu cầu từ một bên như vậy không đảm bảo công bằng về quyền bình đẳng của công dân.

Trường hợp này có thể tiến hành khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan đó nếu như thấy hậu quả của quyết định, hành vi hành chính đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn.

- Thứ ba, việc Tòa cấp phúc thẩm bác đơn xin ly hôn của bạn

Tại Điểm c Mục 10 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định: "Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn"

Theo quy định trên, khi Tòa bác đơn ly hôn của bạn, phải sau thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực bạn mới có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn lại.

Hiện nay, pháp luật chỉ quy định với nội dung như trên về việc bác đơn ly hôn lần đầu và những lần sau nộp đơn lại sẽ giải quyết thế nào.

- Thứ tư, việc gia đình cô T có hành vi ngăn cản bạn ly hôn

Tại Điểm e Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các hành vi bị cầm: "e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn"

Với hành vi này của họ sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 55 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định Xử phạt Hành vi cưỡng ép kết hôn, ly hôn, tảo hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện tiến bộ:

"Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác."

- Thứ năm, hành vi xâm phạm bí mật đời tư và xâm phạm danh dự, nhân phẩm

Tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2005 quy định về Quyền bí mật đời tư:

"1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền."

Như vậy, đối với hành vi tìm kiếm các thông tin để chứng minh mối quan hệ ngoài luồng của anh, anh có thể làm đơn kiện đến cơ quan có thẩm quyền (Tòa án) để được giải quyết.

Ngoài ra, tại Điều 37 Bộ luật dân sự quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau:"Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ."

Mặt khác, tại Điều 121 Bộ luật Hình sự có quy định về Tội làm nhục người khác:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

A) Phạm tội nhiều lần;

B) Đối với nhiều người;

..."

Như vậy, đối với hành vi làm nhục, lăng mạ người phụ nữ kia của gia đình cô T có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định của của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Luật sư tư vấn về việc Ngăn cản ly hôn và các vấn đề liên quan. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169