Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện?

Hỏi: Tôi đang dự kiến thành lập doanh nghiệp (năm 2015) để đầu tư kinh doanh nhưng không biết pháp luật có quy định như thế nào về ngành nghề kinh doanh và các hạn chế, điều kiện liên quan đến đăng ký ngành nghề? Kính mong công ty Luật tư vấn cụ thể quy định tại thời điểm thành lập đó. Chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 139-2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ thì “Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của các luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ”, và được quy định theo các văn bản pháp luật chuyên ngành như sau:

Danh mục Ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định:

1.  Tổ chức tín dụng (Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006)

+   Ngân hàng thương mại cổ phần: 1000 tỷ đồng

+   Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 15 triệu USD

2.  Quỹ tín dụng nhân dân (Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006)

+   Quỹ tín dụng nhân dân trung ương: 1000 tỷ đồng

+   Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở: 0.1 tỷ đồng

3.  Tổ chức tín dụng phi ngân hàng (Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006)

+   Công ty tài chính: 300 tỷ đồng

+   Công ty cho thuê tài chính: 100 tỷ đồng

4.  Kinh doanh bất động sản: 6 tỷ đồng (Điều 3 NĐ 153/2007/NĐ-CP ngày 15/10/2007)

5.  Dịch vụ đòi nợ: 2 tỷ đồng (Điều 13 NĐ 104/2007/NĐ-CP ngày 14/6/2007)

6.  Dịch vụ bảo vệ: 2 tỷ đồng (không được kinh doanh các ngành, nghề và dịch vụ khác ngoài Dịch vụ bảo vệ) (NĐ 52/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008)

7.  Dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 tỷ đồng (Điều 3 NĐ 126/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007)

8.  Sản xuất phim: Doanh nghiệp phải có GCN đủ điều kiện kinh doanh do Cục Điện ảnh cấp trước khi ĐKKD (Điều 14 Luật điện ảnh)

9.  Kinh doanh cảng hàng không: (Khoản 1 Điều 22 NĐ 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007)

+   Kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế: 100 tỷ đồng

+   Kinh doanh tại cảng hàng không nội địa: 30 tỷ đồng

10. Cung cấp dịch vụ hàng không mà không phải là doanh nghiệp cảng hàng không: (Khoản 2 Điều 22 NĐ 83/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007)

+   Kinh doanh tại cảng hàng không quốc tế: 30 tỷ đồng

+   Kinh doanh tại cảng hàng không nội địa: 10 tỷ đồng

11. Kinh doanh vận chuyển hàng không: (Khoản 1 Điều 8 NĐ 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007)

+   Vận chuyển hàng không quốc tế:

-    Khai thác từ 1 đến 10 tàu bay: 500 tỷ đồng

-    Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 800 tỷ đồng

-    Khai thác trên 30 tàu bay: 1000 tỷ đồng

+   Vận chuyển hàng không nội địa:

-    Khai thác từ 1 đến 10 tàu bay: 200 tỷ đồng

-    Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 400 tỷ đồng

-    Khai thác trên 30 tàu bay: 500 tỷ đồng

12 Kinh doanh hàng không chung: 50 tỷ đồng (Khoản 2 Điều 8 NĐ 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007)

Danh mục ngành nghề kinh doanh yêu cầu có chứng chỉ hành nghề

+   Kinh doanh dịch vụ pháp lý;

+   Kinh doanh dịch vụ khám, chữa bệnh và kinh doanh dược phẩm;

+   Kinh doanh dịch vụ thú y và kinh doanh thuốc thú y;

+   Kinh doanh dịch vụ thiết kế quy họach xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình, giám sát thi công xây dựng;

+   Kinh doanh dịch vụ kiểm toán;

+   Sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói, mua bán thuốc bảo vệ thực vật

+   Kinh doanh dịch vụ xông hơi khử trùng;

+   Kinh doanh dịch vụ thiết kế phương tiện vận tải;

+   Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

+   Kinh doanh dịch vụ kế toán;

+   Dịch vụ môi giới bất động sản;

+   Dịch vụ định giá bất động sản; 

+   Dịch vụ sàn giao dịch bất động sản.

Danh mục Ngành, nghề cấm kinh doanh (Khoản 1, Điều 4 Nghị định 139-2007/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ) được quy định cụ thể:

+   Kinh doanh vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng;

+   Kinh doanh chất ma túy các loại;

+   Kinh doanh hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế);

+   Kinh doanh các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách;

+   Kinh doanh các loại pháo;

+   Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khoẻ của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội;

+   Kinh doanh các loại thực vật, động vật hoang dã, gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến, thuộc Danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật, động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác, sử dụng;

+   Kinh doanh mại dâm, tổ chức mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em;

+   Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức;

+   Kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân;

+   Kinh doanh dịch vụ môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài;

+   Kinh doanh dịch vụ môi giới nhận cha, mẹ, con nuôi, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài;

+   Kinh doanh các loại phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường;

+   Kinh doanh các loại sản phẩm, hàng hoá và thiết bị cấm lưu hành, cấm sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành và/hoặc sử dụng tại Việt Nam;

+   Các ngành, nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành.

Mong bạn nghiên cứu, tham khảo và áp dụng vào trường hợp của mình một cách hiệu quả nhất,chúc bạn thành công.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn luật Doanh nghiệp trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo