Luật sư tư vấn cách xác định quan hệ họ hàng trong phạm vi 3 đời
Cụ thể trường hợp của em là: Bà cố ngoại của người yêu em và Bà nội của em là 2 chị em ruột. Bà cố người ấy sinh ra Bà ngoại - Mẹ- người ấy
còn Bà nội em- Ba em- em. Vậy Luật sư có thể giải thích giùm em như trường hợp của tụi em là thuộc vào đời thứ mấy? Nếu kết hôn thì có vi phạm pháp luật không ạ? Em xin chân thành cám ơn !!!!
Cách xác định quan hệ họ hàng trong phạm vi 3 đời
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Thứ nhất, xác định phạm vi ba đời
Tại Khoản 18 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định: “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba”
Theo thông tin bạn cung cấp, kết hợp với quy định trên, chúng tôi có thể phân tích mối quan hệ họ hàng của hai bạn như sau:
+) Bà cố ngoại của cô ấy và bà nội bạn là hai chị em ruột. Do đó, bà cố ngoại của cô ấy và bà nội bạn là đời thứ hai;
+) Bà cố ngoại cô ấy sinh ra bà ngoại cô ấy và bà nội bạn sinh ra bố bạn. Do đó, bà ngoại cô ấy và bố bạn là đời thứ ba;
+) Bà ngoại cô ấy sinh ra mẹ cô ấy và bố mẹ bạn sinh ra bạn. Do đó, mẹ cô ấy và bạn là đời thứ tư;
+) Mẹ cô ấy sinh ra cô ấy. Do đó, cô ấy là đời thứ năm
- Thứ hai, các hành vi bị cấm trong luật hôn nhân và gia đình
Tại Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
“Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Như vậy, trường hợp của bạn không thuộc trường hợp pháp luật hôn nhân gia đình cấm thực hiện, do đó, hai bạn có quyền kết hôn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất