Đinh Thị Minh Nguyệt

Luật sư có được quyền kháng cáo không?

Trong vụ án dân sự, người có quyền kháng cáo là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đối với vụ án hình sự, người có quyền kháng cáo là bị cáo, bị hại và đương sự. Sau khi xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, nếu không đồng ý với nội dung đã tuyên về tội danh, mức hình phạt hoặc về các vấn đề liên quan đến vụ án thì bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo. Vậy luật sư có được quyền kháng cáo thay thân chủ của mình không? Bài viết dưới đây của Luật Minh Gia sẽ giải đáp thắc mắc trên.

1. Kháng cáo là gì? Những ai được quyền kháng cáo?

Kháng cáo là một thủ tục tố tụng, theo đó nếu không đồng ý với nội dung của bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của tòa án cấp sơ thẩm thì các bên có thể nộp đơn kháng cáo để yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại. Quyền kháng cáo là một trong những quyền cơ bản của bị cáo, bị hại, đương sự và do họ tự mình thực hiện, chỉ trừ một số trường hợp ngoại lệ.

Đối với kháng cáo dân sự, Điều 271 BLTTDS 2015 quy định về người có quyền kháng cáo như sau:

Điều 271. Người có quyền kháng cáo

Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.”

Như vậy, đối với vụ án dân sự, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo. Luật sư có quyền kháng cáo nếu luật sư tham gia tố tụng với tư cách người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện. Như vậy luật sư được quyền kháng cáo thay thân chủ, thay mặt đương sự ký vào đơn kháng cáo nếu tham gia tố tụng với tư cách người đại diện, nếu luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì không được quyền kháng cáo. Không giống như đơn khởi kiện, theo điểm a khoản 2 Điều 189 BLTTDS, đơn khởi kiện của một cá nhân phải do chính cá nhân đó ký tên/điểm chỉ trong trường hợp không biết chữ, luật sư với tư cách là người đại diện theo ủy quyền/ người bảo vệ quyền không có quyền khởi kiện, ký tên thay.

Đối với kháng cáo hình sự, Điều 331 BLTTHS 2015 quy định về những người có quyền kháng cáo như sau:

Điều 331. Người có quyền kháng cáo

1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.

3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.

4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.

5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.

6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.”

Đồng thời, điểm o khoản 1 Điều 73 BLTTHS về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa có quy định người bào chữa cũng có quyền kháng cáo trong trường hợp luật sư bào chữa cho người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về thể chất và tâm thần, theo đó chỉ có trường hợp này thì người bào chữa được kháng cáo thay mà không cần ủy quyền.

Như vậy, Pháp luật tố tụng hình sự hiện nay quy định rõ luật sư tham gia vụ án với tư cách người bào chữa chỉ được quyền kháng cáo thay cho bị cáo đối với trường hợp bị cáo là người dưới 18 tuổi và trường hợp bị cáo là người có nhược điểm về thể chất hoặc về tâm thần. Còn đối với bị cáo đã đủ 18 tuổi, không có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì phải tự mình kháng cáo, người bào chữa không có quyền kháng cáo trong trường hợp này. Do đó đối với tất cả người bào chữa thuộc các trường hợp khác đều không có quyền kháng cáo.

Luật sư là người đại diện của bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất được quyền kháng cáo.

2. Thủ tục kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm

Nếu cho rằng bản án sơ thẩm, quyết định đã tuyên không đảm bảo quyền lợi của mình, người có quyền kháng cáo có thể nộp đơn kháng cáo đến TAND cấp sơ thẩm để đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của tòa.

Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định đơn kháng cáo có những nội dung sau:

- Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:

+ Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;

+ Tên, địa chỉ của người kháng cáo;

+ Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;

+ Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;

+ Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

- Kèm theo đơn kháng cáo là tài liệu, chứng cứ bổ sung, nếu có để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp

Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo