Đinh Ngọc Huyền

Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài bị xử phạt thế nào?

Thời gian qua, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được nhiều đơn trình báo, tố giác tội phạm của công dân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận tiền, quà từ nước ngoài gửi về. Dấu hiệu của hành vi này là gì? Chế tài xử lý được pháp luật hình sự hiện nay quy định như thế nào? Quý khách hàng có thể tham khảo bài viết mà Luật Minh Gia phân tích dưới đây để cảnh giác hơn với những thủ đoạn lừa đảo tinh vi hiện nay.

1. Dấu hiệu của hành vi lừa đảo nhận quà từ nước ngoài

- Chủ thể thực hiện hành vi lừa đảo:

Bên gửi quà thường là cá nhân mới quen biết, chưa từng gặp mặt và chỉ nói chuyện qua mạng xã hội như facebook, zalo,...và hứa hẹn gửi quà từ nước ngoài về Việt Nam bao gồm tiền, vàng, trang sức,...để đánh vào lòng tin của người nhận nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

- Công cụ, phương tiện phục vụ cho hành vi lừa đảo:

Có gửi valy/ thùng quà/ bưu phẩm về Việt Nam, trong đó có: Tiền, trang sức đắt tiền, vàng, bạc, mỹ phẩm...qua đường bưu điện, qua chuyển phát nhanh từ nước ngoài gửi về.

- Dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Có người gọi cho bạn và tự nhận là nhân viên an ninh ở sân bay yêu cầu chuyển khoản đóng tiền thuế hải quan và tiền phạt vì soi thấy có tiền, trang sức, vàng bạc... đến một số tài khoản cá nhân thì mới được nhận hàng từ nước ngoài gửi về.

Ví dụ về hành vi lừa đảo nhận quà từ nước ngoài như sau:

Chị A có quen 1 người bạn là người nước ngoài qua facebook, 2 người chỉ nói chuyện qua mạng và chưa từng gặp mặt. Sau đó người bạn này có hứa tặng chị A 1 thùng quà gửi từ nước ngoài qua đường hàng không về Việt Nam bao gồm có 5.000 USD, trang sức, và một số mỹ phẩm làm đẹp khác.

Khi được bạn mình yêu cầu cung cấp thông tin để gửi quà, chị A có cung cấp thông tin liên quan đến họ tên, ngày/ tháng/ năm sinh, số CMTND, địa chỉ cư trú, địa chỉ email, số điện thoại cho người bạn này. Vài ngày sau, chị A có nhận được 1 email từ  với nội dung và đính kèm theo bản sao (được scan) vận đơn bằng tiếng anh được gửi từ một công ty chuyên vận chuyển quốc tế, trong thư đó ghi rất đầy đủ chi tiết người gửi, người nhận và rất nhiều chi tiết khác...nên chị A tin là họ có gửi quà từ nước ngoài về cho mình thật.

Đến ngày tiếp theo, có 1 người gọi điện cho chị A và nhận là nhân viên an ninh ở sân bay, họ yêu cầu chị A phải chuyển 10 triệu đồng vào 1 số tài khoản cá nhân để nộp tiền thuế hải quan và thuế phạt vi phạm do gửi tiền, trang sức trong thùng hàng gửi từ nước ngoài về Việt Nam. Do cả tin nên chị A có chuyển vào số tài khoản cá nhân mà người đó cung cấp với mong muốn sẽ nhận được quà tặng. Sau khi chuyển tiền, chị A có liên hệ lại với người nhận tiền để xác nhận thông tin đã chuyển tiền nhưng không liên lạc được. Lúc này chị A mới biết mình bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài bị xử lý thế nào?

Căn cứ theo khoản 5, điều 25 và khoản 2 Điều 12 Công ước Bưu chính thế giới các nghị định thư cuối cùng có quy định như sau:

Điều 25: Các bưu gửi không được chấp nhận. Cấm gửi

5- Cấm không được đưa các loại tiền kim loại, tiền giấy, chứng khoán, các loại séc du lịch bạch kim, vàng hoặc bạc đã được gia công hoặc chưa, các loại đá quý, đồ trang sức hoặc các vật phẩm có giá trị khác vào:

5.1- Trong bưu phẩm không khai giá, tuy nhiên, nếu luật pháp nước gửi và nước nhận cho phép thì những vật phẩm trên vẫn có thể được gửi trong phong bì dán kín như một Bưu gửi ghi số;

5.2- Trong bưu kiện không khai giá được trao đổi giữa hai nước chấp nhận mở dịch vụ bưu kiện khai giá; ngoài ra, bưu chính các nước có quyền cấm gửi vàng nén trong các bưu phẩm khai giá hoặc không khai giá đi hoặc đến lãnh thổ nước mình hoặc quá giang gửi rời qua nước đó. Các nước có quyền giới hạn giá trị thực tế đối với các loại vật phẩm này.

 Điều 12: Cấm gửi (bưu phẩm)

2- Ngoại lệ, Bưu chính các nước Bô-li-vi-a (Bolivia), Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (China Peoples Rep), trừ đặc khu hành chính Hồng Kông (Hongkong Special Administrative Region), I-rắc (Irag), Nê-pan (Nepal), Pa-kít-xtan (Pakistan), A-rập Xê-út (Saudi Arabia), Xu-đăng (Sudan) và Việt Nam (Vietnam) không chấp nhận bưu phẩm ghi số chứa tiền kim loại, giấy bạc ngân hàng, tiền giấy hoặc chứng từ giá trị các loại, séc du lịch, bạch kim vàng hoặc bạc đã gia công hoặc chưa, đá quý, đồ nữ trang hoặc các vật phẩm quý khác.

Hành vi lừa đảo như trên sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cụ thể:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo