Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Lỗi cố ý gián tiếp và tội có cấu thành hình thức

Vấn đề lỗi cố ý trực tiếp ở các tội CTTP hình thức đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ về mặt khoa học. Đây cũng là vấn đề có nhiều sinh viên quan tâm, thắc mắc khi học tập nghiên cứu luật Hình sự. Trong bài viết này, chúng tôi muốn góp phần làm sáng tỏ vấn đề lỗi cố ý gián tiếp có xảy ra ở các tội phạm có cấu thành hình thức hay không?

Để hiểu rõ vấn đề, trước tiên cần điểm qua một số khái niệm:

* Về lỗi cố ý: Khoa học luật Hình sự cũng như thực tiễn xét xử từ trước đến nay vẫn thừa nhận có hai hình thức là lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố ý gián tiếp. Hơn nữa, tại điều 9 BLHS năm 1985 và điều 9 BLHS năm 1999 đều quy định cụ thể vấn đề này.

- Cố ý trực tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó mong muốn hậu quả xảy ra.

- Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

* Về cấu thành tội phạm: CTTP là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật Hình sự.

CTTP là tổng hợp những dấu hiệu được quy định trong luật Hình sự đặc trưng cho mỗi loại tội phạm cụ thể.

Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan được mô tả trong CTTP, khoa học luật Hình sự phân chia CTTP thành các loại khác nhau: Cấu thành tội phạm vật chất và CTTP tội phạm hình thức

- Cấu thành tội phạm vật chất là CTTP có các dấu hiệu của mặt khách quan gồm hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả.

- Cấu thành tội phạm hình thức là CTTP có một dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Xuất phát từ các khái niệm trên đây, việc xem xét biểu hiện của các hình thức lỗi cố ý trực tiếp và lỗi cố gián tiếp đối với CTTP vật chất không có gì phức tạp.

Đối với CTTP vật chất:

Trường hợp người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp thì về lí trí họ nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình là nguy hiểm, gây thiệt hại cho xã hội, đi ngược lại yêu cầu của Nhà nước, của xã hội. Người phạm tội thấy trước hậu quả nguy hại cho xã hội mà hành vi của mình chắc chắn gây ra hoặc có thể gây ra.

Còn về ý trí, người phạm tội mong muốn hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình được thực hiện: mong muốn hậu quả nguy hại cho xã hội xảy ra.

Chính vì lẽ đó, khi hậu quả nguy hại cho xã hội xảy ra thì hậu quả đó phù hợp với mục đích phạm tội của người phạm tội.

Trường hợp người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp, về lí trí họ cũng nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình ( tương tự như trường hợp phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp ). Người phạm tội cũng thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của họ có thể gây ra.

Còn về ý chí, người phạm tội không mông muốn hậu quả đó mà họ có thái độ để mặc cho hậu quả xảy ra (hậu quả xảy ra cũng được, không xảy ra cũng được). Tuy nhiên, họ đã mong muốn hành vi nguy hiểm được thực hiện để đạt mục đích khác của họ. Và cũng vì lẽ đó, họ chấp nhận hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Ở trường hợp người phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp, sự thấy trước hậu quả có thể xảy ra, không thể có trường hợp người phạm tội đã tháy trước hậu quả tất nhiên xảy ra mà họ có thái độ để mặc, không mong muốn hậu quả đó khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Mặt khác, hậu quả nguy hiểm đã xảy ra không phù hợp với mục đích của người phạm tội mà chỉ phần nào mục đích người phạm tội.

Điều cần lưu ý là:

- Hành vi phạm tội ( nói ở đây) luôn phải là hành vi được thực hiện. Bởi chỉ khi hành vi nguy hiểm được thực hiện chúng ta mới xem xét lỗi của người thực hiện hành vi.

- Nói nhận thức là nhận thức của chủ thể về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, còn thấy trước hậu quả là thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi nguy hiểm sẽ gây ra hoặc có thể gây ra. Việc thấy trước hậu quả là kết quả của việc nhận thức được hành vi trên cơ sở nhận thức biểu hiện khách quan của hành vi cũng như những tình tiết có liên quan đến hành vi thực hiện như công cụ, phương tiện phạm tội, phương pháp, thủ đoạn, hoàn cảnh, địa điểm thực hiện tội phạm, đặc điểm của đối tượng tác động của tội phạm…Hậu quả của tội phạm là sự hiện thực hóa của hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hậu quả là cái có sau hành vi, là cái dự kiến, cái kéo theo của hành vi nguy hiểm cho nên chỉ có thể là thấy trước (thực chất là dự kiến hình dung hay mường tượng liên tưởng) của chủ thể về hậu quả khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Nói đến nhận thức bao giờ cũng là nhận thức về thực tại khách quan, còn thấy trước được sự suy đoán có căn cứ về diễn biến tương lai của sự việc. Và ngược lại để đoán định, biết được, thấy trước được tương lai thì phải nhận thức cái hiện tại hiện thời.

- Trong quy định tại điều 9 BLHS đã không nói đến việc chủ thể mong muốn thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà chỉ mong muốn hậu quả nguy hiểm. Hậu quả nguy hiểm là hệ quả, là kết quả trực tiếp của hành vi nguy hiểm: để hậu quả phát sinh, hậu quả phải hiện diện trong thực tế thì không còn cách nào khác là chủ thể phải thực hiện hành vi. Do vậy, khi chủ thể mong muốn hậu quả thì tất nhiên họ phải mong muốn thực hiện hành vi. Chính vì vậy, điều 9 BLHS đã không nói đến vấn đề này.

Với cơ sở lí luận khoa học đã trình bày trên đây, chúng ta hãy sử dụng nó để xem xét hai hình thức lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp ở tội phạm có cấu thành hình thức.

CTTP hình thức là CTTP chỉ có một dấu hiệu của mặt khách quan được mô tả trong CTTP là dấu hiệu hành vi nguy hiểm cho xã hội. Trong CTTP hình thức không có dấu hiệu hậu quả cũng như quan hệ nhân quả giữa hành vi nguy hiểm và hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Do đặc điểm của CTTP hình thức như vậy mà quan hệ tâm lí của người phạm tội với các dấu hiệu của tội phạm có CTTP hình thức có điểm khác căn bản so với tội phạm có CTTP vật chất.

Đối với trường hợp lỗi cố ý trực tiếp:

Về lí trí, người phạm tội cũng nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hanh vi của mình. Nhận thức nguy hiểm cho xã hội của hành vi là nhận thức tính chất gây thiệt hại cho xã hội của hành vi trên cơ sở nhận thức những tình tiết khách quan của hành vi hoặc có liên quan đến hành vi (tương tự như trường hợp tội phạm có CTTP vật chất).

Tuy nhiên, ở tội phạm có CTTP hình thức, hậu quả của tội phạm không phải là dấu hiệu bắt buộc, do vậy vấn đề thấy trước hậu quả không được đặt ra khi xem xét dấu hiệu phháp lí của người phạm tội. Đối với trường hợp này, chỉ cần người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình.

Còn về ý chí, người phạm tội có CTTP hình thức, hậu quả nguy hiểm cho xã hội không được đặt ra. Muốn xác định người phạm tội có lỗi cố ý trực tiếp chỉ cần xác định người đo đã nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi mà vẫn thực hiện hành vi đó. Như vậy về ý chí, chỉ cần người phạm tôị  trên cơ sở nhận thức của lí trí) mong muốn thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà không cần phải mong muốn hậu quả xảy ra.

CTTP tội phạm hình thức là CTTP mà dấu hiệu hậu quả không được phản ánh trong CTTP. Việc xác định lỗi đối với người phạm tội có CTTP hình thức chỉ xem xét quan hệ tâm lí của chủ thể đối với dấu hiệu khách quan phản ánh trong CTTP là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Về lí trí của chủ thể được xem xét, xác định tương tự lỗi cố ý trực tiếp. Chủ thể nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi thông qua các tính tiết khách quan của hành vi như tính chất, phương pháp, thủ đoạn, công cụ phương tiện.mà hành vi sử dụng.

Về ý chí, vì CTTP hình thức không phản ánh dấu hiệu hậu quả do vậy việc còn lại là xem xét chủ thể có mong muốn thực hiện hành vi hay không?

Khi đã nhận thức được hành vi mà mong muốn thực hiện hành vi thì trường hợp đó đã thuộc lỗi cố ý trực tiếp.

Mặt khác, khi nhận thức được hành vi mà vẫn thực hiện thì không thể nói chủ thể không mong muốn. Trường hợp nhận thức được hành vi, thực hiện hành vi để đạt được mục đích nào đó: chỉ có thực hiện hành vi mới đạt được mục đích thì việc thực hiện hành vi này thực chất là chủ thể mong muốn. Nếu hành vi được thực hiện thì lỗi của chủ thể đối với việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp này vẫn là lỗi cố ý trực tiếp.

Còn khi nhận thức được hành vi là nguy hiểm cho xã hội nếu không mong muốn hành vi đó thì nó sẽ không bao giờ thực hiện được. Bởi lẽ tự nhiên là một người bình thường không bao giờ lại thực hiện việc làm vô nghĩa, thậm chí việc đó không mang lại lợi ích gì mà còn làm hại chính bản thân họ. Do vậy, hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp này sẽ không được thực hiện. Khi đã không có hành vi thì việc xem xét lỗi không được đặt ra.

Về hình thức lỗi cố ý gián tiếp ở điều 9 BLHS còn quy định chủ thể “ tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc…”

Khi đã để mặc hay chỉ là chấp nhận hành vi thì bao giờ cũng có hai khả năng, hành vi sẽ xảy ra hoặc không xảy ra – tức hành vi sẽ được thực hiện hoặc không được thực hiện. Trường hợp hành vi không được thực hiện chúng ta không cần xem xét. Trường hợp hành vi được thực hiện thì điều đó đã thể hiện sự chủ động lựa chọn của chủ thể. Khi đã chủ động lựa chọn thực hiện hành vi thì không thể nói là không mong muốn và trường hợp này lại thuộc hình thức lỗi cố ý trực tiếp.

Với những phân tích trên đây cho phép chúng ta khẳng định lỗi cố ý gián tiếp không thể xảy ra ở những tội phạm có CTTP hình thức. Nói cách khác là hầu hết các tội có cấu thành hình thức đều được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Tội phạm có CTTP hình thức mà được thực hiện với các hình thức lỗi khác (không phải là lỗi cố ý trực tiếp) chỉ là trường hợp cá biệt./.

Nguồn: Tạp chí luật học

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169