Cà Thị Phương

Trường hợp nào mẹ không được nuôi con khi ly hôn?

Chào luật sư, cho tôi hỏi về quyền nuôi con của mẹ như sau: Tôi năm nay 20 tuổi vợ chồng tôi kết hôn được 2 năm nhưng khoảng thời gian chung sống cả 2 đều không thấy hạnh phúc. Vợ chồng tôi thường xuyên sảy ra mâu thuẫn, mâu thuẫn trở nên gay gắt khi tôi có bầu bé bây giờ. Do tôi dạ con thấp đã về nhà ngoại dưỡng thai, nhưng thời gian khó khăn đó gia đình chồng đã bỏ mặc mẹ con tôi, đến khi sinh con,vì thương con tôi về nhà chồng sinh em bé.

Khi bé được 4 tháng xô xát vợ chồng lại tiếp diễn,vợ chồng tôi liên tục sảy ra mâu thuẫn, đến khi con tôi được 9 tháng thì họ đánh đuổi tôi và không cho tôi mang con đi. Tôi đã làm đơn ra tòa nhờ pháp luật can thiệp để tôi được nuôi con nhưng đến nay gần 3 tháng vụ việc của tôi vẫn chưa được giải quyết và tôi vẫn chưa được gần con vì chồng tôi không đồng ý cho tôi nuôi con. Vậy tôi muốn luật sư tư vấn giúp tôi, phải làm thế nào để tôi được nuôi con, quy định pháp luật như thế nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về công ty Luật Minh Gia chúng tôi. Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ vào Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cha mẹ có quyền và nghĩa vụ:

Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

Và khoản 1 Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Đồng thời căn cứ vào Điều 13 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì:

Trẻ em có quyền sống chung với cha mẹ. Không ai có quyền buộc trẻ em phải cách ly cha mẹ, trừ trường hợp vì lợi ích của trẻ em.”

Như vậy trong trường hợp của bạn không ai có quyền ngăn cản mẹ của đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng và sống chung với cha mẹ mình. Nếu chồng bạn vẫn tiếp tục ngăn cản bạn thực hiện các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con thì bạn có quyền trình báo với cơ quan công an, chính quyền địa phương để có biện pháp giải quyết.

Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.

Nếu hiện nay vợ chồng bạn thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, vợ chồng không cảm thấy hạnh phúc và bạn muốn ly hôn với chồng mình thì căn cứ vào Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 bạn có thể làm đơn yêu cầu ly hôn gửi đến tòa án. Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết yêu cầu ly hôn của bạn nếu:

có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Khi tòa án giải quyết ly hôn tòa án sẽ phân định quyền nuôi con thuộc về ai. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.

Đối với trường hợp của bạn con bạn mới được 9 tháng tuổi do đó sẽ được giao cho bạn chăm sóc, nuôi dưỡng, chỉ trừ trường hợp bạn không đủ điều kiện để chăm nom, nuôi dưỡng hoặc vợ chồng bạn có thỏa thuận khác.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169