Làm thế nào khi là nạn nhân của hành vi bạo lực gia đình?
Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư, Tôi và chồng cưới nhau hơn 3 năm đã có một cháu trai 3tuổi. Trong cuộc sống vợ chồng luôn xảy ra bất đồng mâu thuẫn. Giờ tôi muốn ly hôn vì vợ chồng không hạnh phúc đã ly thân 6tháng rồi quay lại ( tôi quay lại vì thương con do con tôi bị bố đánh ác quá) nhưng vợ chồng sống không hài hòa thoải mái tôi nhận thấy không hạnh phúc. Sau khi tôi về tôi lại bị đánh và xúc phạm. Giờ tôi đề nghị ly hôn thì mẹ chồng và chồng cấm không cho đi làm, không cho mang quần áo ra khỏi nhà với lý do mâm cao cỗ đầy mất tiền mua tôi về. Bắt Tôi phải làm đúng đạo bao giờ tòa giải quyết ly hôn mới được rời khỏi nhà chồng. Mặc dù tôi đã quỳ lạy van xin nhưng họ không cho. Tôi phải làm sao?
Nói thêm với luật sư rằng lúc chưa ra khỏi nhà chồng 6 tháng tôi bị chồng đánh và vứt quần áo ra khỏi nhà đuổi đi rất nhiều lần. Nhưng giờ tôi không có bằng chứng lúc trước. Giờ tinh thần của tôi đang rất bất ổn, tôi muốn rời khỏi đó tôi muốn được đi làm thì phải làm thế nào? Pháp luật quy định trường hợp của tôi thế nào tôi phải làm gì để bảo vệ quyền lợi? xin cảm ơn luật sư.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: Khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định về các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng
Như vậy với những hành động nêu trên của chồng và mẹ chồng bạn thì đã vi phạm luật phòng chống bạo lực gia đình và bạn cùng con của bạn là nạn nhân. Theo khoản 1 Điều 5 Luật Phòng chống bạo lực gia đình thì nạn nhân bạo lực gia đình có những quyền sau:
"a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, nếu muốn chấm dứt những hành vi bạo lực gia đình này, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của mình và con (ví dụ: bạn có thể cùng con mình rời khỏi nhà chồng để tránh bị xâm phạm). Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ bạn được quy định tại Điều 18 Luật này như sau:
"1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình."
Như vậy, bạn có thể trực tiếp báo tin đến cơ quan công an, ủy bạn nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư hoặc nếu bạn không thể ra khỏi nhà thì có thể nhờ người mà bạn có thể tiếp xúc được làm đơn hoặc báo tin đến những cơ quan này. Ngoài ra, bạn có thể tìm đến Mặt trận tổ quốc hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để nhờ trợ giúp, tư vấn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất