Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn.

Con muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp về việc giành quyền nuôi con khi ly hôn. Cụ thể trường hợp của con như sau: Hiện nay con đang sống cùng gia đình nhà chồng, con trai con được 4 tuổi đang học trường mầm non, bé thường quấn quít bà nội hơn là mẹ, bé ít khi đòi ba. 1 đêm ngủ với mẹ và 1 đêm ngủ với ông bà Nội. Bé cũng thích về ngoại và cũng chịu ông bà Ngoại.

Cách đây gần 1 năm, khi đi làm con đã ngoại tình với 1 người trong công ty. Chồng con phát hiện và đã bắt con nghỉ làm đến nay được 9 tháng. Trong khoảng thời gian này anh ấy thường hay nhậu và về nhà đập phá nhà cửa, gây gổ, đánh chửi con và còn quen người khác trong cơ quan của anh ấy. Ngoài việc lạnh nhạt với con thì anh ấy còn hạn chế việc đi lại của con, về nhà Ba Mẹ đẻ cũng phải xin phép mới được về (không cho mà cứ đi thì về bị anh ấy đánh chưởi), không cho gặp gỡ tiếp xúc với bạn bè thân thiết, kể cả điện thoại hay facebook cũng không.

Xin cho con nói thêm về việc ngoại tình. Chồng con chỉ thấy những tin nhắn và 1 cuộc điện thoại của con và người đó và lời thừa nhận của con thôi, ngoài ra thì không có gì khác. Ba mẹ đẻ của con đòi chồng phải đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng hình ảnh hay là ngày nào tháng nào ở đâu ai là người phát hiện (kiểu như bắt gian phải bắt tận giường) việc ngoại tình đó. Kể cả việc chồng con quen người khác cũng vậy, con cũng chỉ biết thôi chứ cũng không có bằng chứng gì hết.

Nay con muốn ly hôn với anh ấy vì không muốn kéo dài cuộc sống như vậy nữa. Vậy luật sư cho con hỏi, nếu con ly dị thì con của con ai sẽ được tòa án cho nuôi bé nếu cả ba và mẹ đều muốn dành nuôi bé. Tòa án có trút quyền nuôi con của con với việc ngoại tình như thế không (nếu mai này ra tòa chồng con đưa ra hình ảnh làm bằng chứng) vì việc ngoại tình này đã qua 9 tháng rồi và hiện nay con không liên lạc với người đó và cũng không quen bất cứ ai? Chồng con làm bảo vệ với mức lương trên hợp đồng là chưa được 2 triệu đồng/tháng và hay trực đêm (1 đêm trực và 1 đêm ở nhà). Nếu con có hợp đồng lao động với 1 công ty với mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng thì con được nuôi bé không? Nếu con ly hôn thì con sẽ về ở nhà Ba Mẹ đẻ của con (2 gia đình cách nhau 5 phút đi lại và ở thành phố)

Xin luật sư tư vấn dùm con. Con xin cảm ơn ạ.!

Làm thế nào để giành quyền nuôi con khi ly hôn.
Tư vấn về giành quyền nuôi con. 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy, con trai bạn đã được 4 tuồi, bởi vậy việc ai là người sẽ nuôi dưỡng con hoàn toàn do các bên thỏa thuận và quyền nuôi con của cha mẹ khi ly hôn cũng là ngang nhau.

Trong trường hợp 2 bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết, và khi đó cha và mẹ sẽ phải tự chứng minh các điều kiện nuôi con của mình. Có thể chứng minh qua một số yếu tố như sau:

+ Thu nhập hàng tháng (có đảm bảo để nuôi cháu hay không?)

+ Chỗ ở ổn định (Có đảm bảo để cháu có chỗ ở lâu dài hay không?)

+ Môi trường sống (Có đảm bảo cho sự phát triển cả về tinh thần lẫn thể chất của cháu hay không?)

+ Thời gian làm việc (Bạn có thời gian để chăm sóc cháu hay không?)

+ Sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ giành cho con.

+ Hành vi của cha mẹ ( Có ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và sự phát triển của trẻ)
……

Như vậy, bạn có thể chứng minh rằng mình có đủ điều kiện nuôi con qua những căn cứ trên. Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các điều kiện mà các bên chứng minh được để trao quyền nuôi con cho người đó.

Về việc bạn đề cập đến vấn đề thu nhập và hành vi “ngoại tình” thì nếu bạn chứng minh được bạn có mức thu nhập cao hơn chồng và ổn định thì sẽ là lợi thế giúp bạn giành quyền nuôi con. Đối với hành vi “ngoại tình” thì cần phải xem xét đến mức độ có ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con hay không. Mặt khác đây chỉ là 1 trong nhưng yếu tố để chứng minh quyền nuôi con. Khi giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con Tòa án sẽ phải xem xét toàn diện các điều kiện mà cha và mẹ có sao cho đảm bảo được quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169