Làm giấy khai sinh cho con thụ tinh sau khi chồng mất
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo khoản 1 Điều 93 luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như sau:
Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này.
Và theo khoản 1 Điều 88 luật hôn nhân gia đình quy định về xác định cha, mẹ như sau:
Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Như vậy, bạn có thể làm giấy khai sinh, ghi tên chồng bạn vào chỗ cha của đứa trẻ, xác định đứa trẻ là con của chồng bạn nếu bé sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ khi chồng bạn mất. Nếu như, bé được sinh ra sau thời hạn 300 ngày kể từ chồng bạn mất, để xác định cha cho con bạn cần phải cung cấp chứng cứ chứng minh đứa trẻ đó là con của chồng bạn. Bạn có thể đến bệnh viện yêu cầu họ cung cấp tài liệu về sự việc hai vợ chồng bạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và sau khi chồng mất bạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với số tinh trùng còn lại của chồng bạn.
Trước khi làm thủ tục khai sinh cho con bạn cần lên Tòa án yêu cầu xác định cha cho con trong trường hợp không có tranh chấp. Khi lên Tòa án yêu cầu xác định cha cho con bạn cần cung cấp các chứng cứ, tài liệu chứng minh bố của đứa trẻ là con của chồng bạn.
Căn cứ luật hộ tịch năm 2014. Thủ tục, giấy tờ cần thiết để làm giấy khai sinh bao gồm:
- Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch.Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Sổ Hộ khẩu (hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ)
- Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn). Nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha mẹ, không bắt buộc xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn.
- CMND/Hộ chiếu Việt Nam (bản chính và bản photo) của cha mẹ hoặc người đi làm thay
- Điền mẫu tờ giấy đăng kí khai sinh theo mẫu
Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
- Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
Như vậy, khi tiến hành đi đăng kí khai sinh cho con bạn cần chuẩn bị các giấy tờ như trên kèm theo bản án, quyết định của Tòa án về xác định cha cho con để chứng minh quan hệ cha con.
Trên đây là nội dung tư vấn về: Làm giấy khai sinh cho con thụ tinh sau khi chồng mất. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân gia đình để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất