Nguyễn Văn Cảnh

Làm cách nào để giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên ?

Luật sư tư vấn về vấn đề giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi người đại diện theo pháp luật của công ty không hợp tác

Nội dung câu hỏi:  Kính gửi: Văn phòng luật sư Minh Gia.Trước hết tôi xin chân thành cám ơn Văn phòng Luật sư Minh Gia đã giành chút thời gian đọc Email này! Chúng tôi đang gặp một vấn đề rắc rối liên quan đến việc tranh chấp Doanh nghiệp như sau :

 

Chúng tôi gồm 3  chúng tôi cùng góp vốn thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên với tỷ lệ góp vồn là:  Thành viên A : 33 % ( CTHĐ thành viên),Thành viên B : 33 % (Phụ trách Kế toán ),Thành viên C : 34 % (Giám đốc và là người đại diện  pháp luật). Vì tin nhau nên chúng tôi để Giám đốc giữ con dấu của công ty và tất cả các văn bản thủ tục liên quan đến thủ tục thành lập của công ty, nhưng vì đã có ý đồ chiếm đoạt công ty từ trước nên giám đốc C thực hiện một số hành động chia rẻ nội bộ và đề nghị 2 chúng tôi rút vốn để nhượng lại công ty cho C nhưng hai chúng tôi không đồng ý và yêu cầu phải xử lý chia tài sản tồn kho của công ty theo tỷ lệ vốn góp và sau đó giải thể công ty thì giám đốc C không đồng ý, bất hợp tác và giữ luôn con dấu và chiếm dụng vốn của chúng tôi suốt nửa năm qua để kinh doanh riêng.

 

Xin Luật sư tư vấn cho chúng tôi cần phải làm gí để yêu cầu giám đốc C phải thực hiện theo yêu cầu của 2 chúng tôi để trả lại công bằng cho các thành viên cùng sáng lập công ty .

 

Rất mong nhận được sự giúp đỡ của các luật sư !

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về vấn đề xử lý chia tài sản tồn kho của công ty theo tỉ lệ vốn góp:

 

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, vì tài sản tồn kho này là tài sản của công ty nên không thể xử lý để chia theo tỉ lệ vốn góp cho các thành viên. Theo quy định của pháp luật, nếu xử lý tài sản tồn kho thì sau khi xử lý tài sản thì số tiền thu lại được sẽ là tài sản của công ty. Việc chia tài sản theo phần vốn góp của công ty chỉ diễn ra khi công ty giải thể.

 

Theo quy định của pháp luật, việc chia tài sản chỉ có thể khi mà công ty có lãi hoặc giải thể. Việc chia lợi nhuận sẽ tiến hành khi đáp ứng điều kiện tại Điều 69 Luật Doanh nghiệp về việc chia lợi nhuận quy định như sau: 

 

"Công ty chỉ được chia lợi nhuận cho các thành viên khi kinh doanh có lãi, đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản đến hạn trả khác sau khi chia lợi nhuận." 

 

Như vậy, việc chia tài sản của công ty chỉ có thể diễn ra khi công ty kinh doanh có lãi, hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và đảm bảo được thanh toán các khoản nợ sau khi chia lợi nhuận. Chỉ khi đáp ứng được điều kiện trên thì mới được chia tài sản là lợi nhuận của công ty cho các thành viên. 

 

Thứ hai, về yêu cầu giải thể công ty.

 

Theo quy định của Luật doanh nghiệp thì chỉ khi đáp ứng được các điều kiện tại khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp về điều kiện giải thể doanh nghiệp, cụ thể như sau:

 

“Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới”

 

Như vậy, để có thể giải thể công ty thì đầu tiên công ty phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính cho nhà nước, hoàn thành các nghĩa vụ dân sự đối với các đối tác và không trong quá trình tranh chấp. Về thẩm quyền giải thể doanh nghiệp, theo quy định của Luật doanh nghiệp thì chỉ có thể giải thể được công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi có nghị quyết của hội đồng thành viên về về giải thể doanh nghiệp.

 

Theo đó, để có thể giải thể doanh nghiệp thì phải tiến hành họp hội đồng thành viên của công ty và đề xuất về vấn đề giải thể công ty. Về thủ tục triệu tập hội đồng thành viên, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

 

 “Hội đồng thành viên được triệu tập họp theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc theo yêu cầu của thành viên hoặc nhóm thành viên quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều 50 của Luật này. Cuộc họp của Hội đồng thành viên phải được tổ chức tại trụ sở chính của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.”

 

Để có thể tiến hành họp hội đồng thành viên, cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có số thành viên dự họp sở hữu ít nhất 65% vốn điều lệ; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định, như vậy nếu điều lệ công ty anh không quy định một tỉ lệ cao hơn thì ít nhất phải có hai trong ba thành viên sáng lập tham gia mới có thể tiến hành họp hội đồng thành viên.

 

Về vấn đề ra nghị quyết giải thể công ty, nếu giám đốc công ty có tham gia họp hội đồng thành viên mà không biểu quyết tán thành giải thể  thì không thể giải thể công ty. Nếu giám đốc công ty ( chiếm 33% phần vốn góp ) không tham gia họp hội đồng thành viên và có đầy đủ 2 thành viên (chiếm 67% tổng số phần vốn góp) thì cuộc họp hội đồng thành viên có thể tiến hành được. Khi tiến hành họp hội đồng thành viên mà không có sự có mặt của giám đốc thì nếu có sự biểu quyết của tất cả thành viên (hai người- 100% đại diện số vốn tham gia biểu quyết) thì có thể ra nghị quyết về việc giải thể công ty.

 

Về thủ tục giải thể doanh nghiệp, Việc giải thể doanh nghiệp phả tiến hành theo quy định tại Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014 về trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp như sau:

 

“1. Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp. Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

 

a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

 

b) Lý do giải thể;

 

c) Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể;

 

d) Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động;

 

đ) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

 

2. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

 

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua, quyết định giải thể và biên bản họp phải được gửi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp, đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

 

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

 

4. Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có).

 

5. Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:

 

a) Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

 

b) Nợ thuế;

 

c) Các khoản nợ khác.

 

6. Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

 

7. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

 

8. Sau thời hạn 180 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải thể theo khoản 3 Điều này mà không nhận được ý kiến về việc giải thể từ doanh nghiệp hoặc phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.”

 

Như vậy, nếu được hội đồng thành viên thông qua thì công ty cần tiến hành các thủ tục trên để có thể giải thể doanh nghiệp.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn Doanh nghiệp - Công ty Luật Minh Gia

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo