Hoài Nam

Lãi suất cho vay tối đa của công ty tài chính là bao nhiêu?

Bộ luật dân sự quy định mức lãi suất cho vay tối đa một năm là 20% nhưng hiện nay các công ty tài chính đều cho vay với mức lãi suất cao hơn nhiều lần. Như vậy có vi phạm pháp luật không? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề này qua tình huống sau đây:

 1. Luật sư tư vấn về dân sự

Do nhu cầu cuộc sống và chi tiêu tiêu dùng, nhiều người chấp nhận vay nóng của các công ty tài chính dù lãi suất rất cao. Lãi suất cho vay của các công ty tài chính tối đa là bao nhiêu? Các công ty tài chính có phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự về lãi suất tối đa không? Người vay không trả được nợ đúng hạn thì có phải trả thêm lãi chậm trả không?

Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này, hãy gọi: 1900.6169 để được các Luật sư, chuyên viên hướng dẫn.

2. Luật sư tư vấn về lãi suất cho vay của các công ty tài chính

Câu hỏi:

Chào Công ty Luật Minh Gia. Hiện nay các Công ty tài chính như: FE credit, Home Credit, SaiSon HD,... đang hoạt động cho vay trả góp bằng tiền mặt, với mức lãi suất rất cao, từ 80-90%, góp trong vòng 18-24 tháng. Ví dụ: Vay 50 triệu đồng, số tiền trả góp cộng lại từ 90-100 triệu đồng. Với mức lãi suất như vậy, tôi xin hỏi: Các công ty đó có bị vi phạm luật hay không? Hoạt động kinh tế như vậy liệu có lành mạnh hay không? Cơ quan nào của nhà nước giám sát các tổ chức này? Khách hàng chịu không nổi với mức lãi suất này nên dẫn đến trả chậm hoặc mất khả năng thanh toán. Khi đó phía công ty cho nhân viên hù dọa, chửi mắng khách hàng thậm tệ! Những trường hợp xảy ra như vậy thì khách hàng kiện ai, báo với cơ quan chức năng nào để được xử lý, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng? Trân trọng cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Thứ nhất: Về vấn đề vay tài chính tại các tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay

Căn cứ Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010:

"1. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

5. Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Theo đó, các công ty tài chính như FE Credit, Home Credit, Saison HD,… được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, thực hiện các hoạt động bao gồm: huy động vốn, cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô và khách hàng khác để sử dụng vào các hoạt động tạo thu nhập và cải thiện điều kiện sống,… nên các công ty tài chính này là tổ chức tài chính vi mô.

Lãi suất của các tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 13 Nghị định 39/2016/NĐ-CP:

"Điều 13. Lãi suất cho vay

1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:

a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;

c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;

đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

3. Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.

4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;

c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất."

Như vậy, chỉ trong một số trường hợp đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu vốn như: phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thì lãi suất cho vay thực hiện theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước; các trường hợp cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn của khách hàng thì lãi suất cho vay sẽ do các bên thỏa thuận.

Khi vay khách hàng biết rõ lãi suất cao nhưng vẫn đồng ý vay với lãi suất các công ty tài chính đưa ra nên như vậy vẫn phù hợp với pháp luật. Trường hợp đến hạn thanh toán mà bên vay vẫn không trả đầy đủ thì phải trả lãi như sau:

- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận;

- Lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo thỏa thuận nhưng tối đa 10%/năm;

- Lãi trên dư nợ gốc quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn.

Thứ hai: Về trường hợp đe dọa, xúc phạm khi tiến hành đòi nợ

Đối với hành vi chửi mắng, đe dọa của nhân viên các công ty tài chính có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

…"

Hoặc nghiêm trọng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo