Kiều hối là gì? Vi phạm về kiều hối xử lý thế nào?
Mục lục bài viết
1. Kiều hối là gì?
Pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn không giải thích về khái niệm “kiều hối”. Tuy nhiên, có thể hiểu kiều hối là ngoại hối do người có nguồn gốc dân tộc với một nước nhưng cư trú ở nước ngoài gửi hoặc mang về nước đó.
Theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB), kiều hối bao gồm tất cả các món chuyển khoản hiện tại bằng tiền mặt hoặc hiện vật giữa cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú, không phụ thuộc vào nguồn thu nhập của người gửi và mối quan hệ giữa các hộ gia đình (bất kể họ là cá nhân có liên quan hay không liên quan).
Người gửi về nước ngoại hối được xem là kiều hối có thể có quốc tịch hoặc không mang quốc tịch nhưng phải có nguồn gốc dân tộc với nước tiếp nhận ngoại hối.
Các loại ngoại hối theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh ngoại hối gồm:
- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực (sau đây gọi là ngoại tệ);
- Phương tiện thanh toán bằng ngoại tệ, gồm séc, thẻ thanh toán, hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và các phương tiện thanh toán khác;
- Các loại giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu và các loại giấy tờ có giá khác;
- Vàng thuộc dự trữ ngoại hối nhà nước, trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú; vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng trong trường hợp mang vào và mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
- Đồng tiền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp chuyển vào và chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc được sử dụng trong thanh toán quốc tế.
2. Vai trò của kiều hối
Kiều hối trước hết đem lại nhiều lợi ích cho người dân, cũng như nền kinh tế của nước sở tại, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển. Phần lớn kiều hối được gửi từ kiều bào hoặc từ người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài cho người thân, gia đình giúp trang trải và nâng cao mức sống.
Kiều hối góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển và nó được thể hiện ở nhiều khía cạnh như: tăng thu nhập, tăng chi tiêu,…
Kiều hối mang lại các tác động tích cực đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế, cụ thể như: là nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm bớt sự mất cân đối trong cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hối, giảm sức ép tăng tỷ giá,…
Kiều hối cũng có thể trở thành nguồn tiền đầu tư dưới hình thức tiền gửi ngân hàng, ngân hàng lại sử dụng vốn để cho vay.
3. Hình thức chuyển kiều hối về Việt Nam
Theo Điều 4 Quyết định 170/1999/QĐ-TTg ngày 19/8/1999 thì người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài chuyển tiền kiều hối về Việt Nam như sau:
“Điều 4. Các hình thức chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam
Người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam dưới các hình thức sau :
1. Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép;
2. Chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghịêp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế;
3. Cá nhân mang theo người vào Việt Nam.
Cá nhân ở nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo ngoại tệ hộ cho Người Việt Nam ở nước ngoài phải kê khai với Hải quan cửa khẩu số ngoại tệ mang hộ từ nước ngoài gửi về cho Người thụ hưởng ở trong nước.”
Như vậy, khi chuyển kiều hối cần tuân thủ về điều kiện và hình thức chuyển vào Việt Nam, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Xử lý vi phạm pháp luật về kiều hối
Pháp luật Việt Nam cho phép người Việt Nam sống ở nước ngoài được gửi về nước số lượng ngoại hối không hạn chế và được miễn thuế.
Do đặc thù chuyển ngoại hối về Việt Nam có yếu tố nước ngoài nên nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Căn cứ từng hành vi cụ thể việc chuyển ngoại hối vào Việt Nam có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam.
Ví dụ trường hợp tiêu biểu vi phạm pháp luật về chuyển ngoại hối về Việt Nam như: Không kê khai hải quan/kê khai không đúng khi mang ngoại hối vào Việt Nam từ 5.000 USD hoặc từ 15 triệu đồng trở lên:
- Có thể bị xử phạt vi phạm hành chính Theo điều 10 Nghị định 128/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 10. Vi phạm quy định về khai hải quan của người xuất cảnh, nhập cảnh đối với ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý khác, đá quý
…
2. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bàng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng Việt Nam;
...
3. Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này mà số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo thì xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp số ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng đã khai nhiều hơn số lượng thực tế mang theo có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000. 000 đồng Việt Nam;
…”
- Có thể bị truy cứu trách nhiệm Hình sự theo Điều 189 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.
...”
Ngoài ra còn một số quy định xử lý khác, nếu bạn cần tư vấn rõ hơn trường hợp của mình hãy liên hệ ngay cho chúng tôi.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất