Khu công nghiệp là gì? Thủ tục thuê đất khu công nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Quy định về khu công nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP quy định:
“Khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định này.
Khu công nghiệp gồm nhiều loại hình khác nhau, bao gồm: Khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái (sau đây gọi chung là Khu công nghiệp, trừ trường hợp có quy định riêng đối với từng loại hình).
…”
Hiện nay trên đất nước ta có rất nhiều khu công nghiệp tập trung các doanh lắp ráp, sản xuất hàng hóa, chế biến lương thực, thực phẩm. Theo đó, việc thành lập các khu công nghiệp tập trung tại một vùng miền nhất định, theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý hoạt động sản xuất công nghiệp; đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự đối với đời sống sinh hoạt của người lao động tại khu công nghiệp.
2. Cơ sở pháp lý để doanh nghiệp được thuê đất làm khu công nghiệp
Thực tế cho thấy không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thuê đất để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp mà việc thuê đất làm khu công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết. Cụ thể, Điều 149 Luật Đất đai năm 2013 quy định:
“Điều 149. Đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề
1. Việc sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
…
3. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất được thuê lại đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế khác, …
4. Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất phải sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này.
5. Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất đã được Nhà nước giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với kết cấu hạ tầng của tổ chức kinh tế khác, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn còn lại của dự án mà không phải chuyển sang thuê đất. Khi hết thời hạn thực hiện dự án nếu có nhu cầu được Nhà nước xem xét cho thuê đất theo quy định của Luật này.
…”
Như vậy, theo quy định nêu trên, đối tượng được thuê đất trong khu công nghiệp bao gồm: Các tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng kinh doanh kế cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
3. Thủ tục thuê đất khu công nghiệp
Để thuê đất trong khu công nghiệp để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp cần thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Đơn xin giao đất, cho thuê đất (theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT);
- Trích lục bản đồ địa chính thửa đất hoặc trích đo chính thửa đất (chủ đầu tư liên hệ Sở Tài nguyên và Môi trường để được cung cấp);
- Bản sao Giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp cho doanh nghiệp kèm theo bản thuyết minh dự án đầu tư (Nộp 02 quyển thuyết minh dự án đầu tư kèm Bản vẽ mặt bằng tổng thể để trình UBND tỉnh).
- Văn bản ký quỹ; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Văn bản về lập thủ tục kế hoạch bảo vệ môi trường; Báo cáo tài chính; Giấy xác nhận cung cấp tín dụng,…
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ban Quản lý các khu công nghiệp bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ.
Bước 4: Nhận kết quả xử lý hồ sơ:
- Quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất;
- Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tổ chức giao đất trên thực địa cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất