Quy định về chiều cao công trình xây dựng
Mục lục bài viết
Vì vậy, nếu bạn đang gặp vướng mắc liên quan đến chiều cao công trình, thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình, bạn có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:
1. Quy định về chiều cao công trình
Tùy từng vùng miền khác nhau như miền núi hay hải đảo, đô thị hay nông thôn mà pháp luật sẽ có những quy định khác nhau về chiều cao công trình, điều này được thể hiện qua quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và cụ thể là ở bản vẽ thiết kế công trình trong thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng đối với công trình.
Theo đó, ở vùng nông thôn thường ít có giới hạn về chiều cao công trình xây dựng và được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm i Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2020: “i) Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.”
Tuy nhiên, việc xây dựng công trình ở nông thôn là nhà ở hoặc công trình có người sinh sống, làm việc bên trong thì vẫn phải bảo đảm các tiêu chuẩn về chiều cao công trình nếu nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không điện áp đến 220 kV theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 14/2014/NĐ-CP như sau:
3. Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn điện gần nhất khi dây ở trạng thái võng cực đại không nhỏ hơn quy định trong bảng sau:
Điện áp |
Đến 35 kV |
110 kV |
220 kV |
Khoảng cách |
3,0 m |
4,0 m |
6,0 m |
Còn ở đô thị, việc xây dựng công trình phải đảm bảo chiều cao theo quy hoạch được duyệt. Đồng thời, chiều cao và hình thái cấu trúc công trình xây dựng phải được thể hiện rõ trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Mỗi đô thi có mật độ dân số và sự phát triển của khác nhau nên sẽ có các quy định riêng giới hạn về chiều cao công trình khác nhau.
2. Thủ tục xin cấp giấy phép công trình xây dựng
Tùy theo từng loại công trình, chủ đầu tư sẽ phải chuẩn bị các thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép theo quy định tại Điều 95 Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung năm 2020 như sau:
“Điều 95. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới
1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Bản vẽ thiết kế xây dựng;
d) Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình không theo tuyến gồm:
a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;
b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
c) Bản sao quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư;
d) Bản vẽ thiết kế xây dựng;
…”
Chủ đầu tư có thể nộp trực tiếp hồ sơ hoặc nộp qua đường bưu chính đến Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với công trình xây dựng cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn do mình quản lý hoặc nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công trình xây dựng thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh (trừ các công trình thuộc đối tượng được cấp giấy phép xây dựng tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nêu trên). Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm nộp lệ phí theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi nộp hồ sơ cấp giấy phép xây dựng.
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xem xét cấp giấy phép đối với nhà ở riêng lẻ.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất