Trần Phương Hà

Không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn yêu cầu thế nào?

Em xin kính chào luật sư. Lời đầu tiên e xin kính chúc luật sia đình luôn mạnh khỏe và thành công! Em Cảm ơn luật sư đã trả lời giúp em về những thắc mắc về luật hôn nhân và gia đình, hôm nay em muốn hỏi thêm vấn đề về việc người chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con và một số vấn đề khác như sau:

Đến thời gian này vợ chồng chúng em đã quyết định ly hôn và còn những thắc mắc em muốn được nhờ luật sư tư vấn giúp em để em giải quyết việc ly hôn được thuận lợi và có được những quyền lợi chính đáng. Hiện giờ chúng em đã thống nhất việc nuôi con. Em là người nuôi dưỡng và chăm sóc cho con gái. Nhưng chồng em không chịu đóng góp trách nhiệm để nuôi dạy con, chồng em nói sau khi ly hôn sẽ không trợ cấp cấp tiền nuôi con.

Vậy thưa luật sư em phải làm thế nào? Em có thể nhờ pháp luật can thiệp giúp không? Nếu có thì em phải làm như thế nào? Những thủ tục gì? Việc nữa em muốn hỏi là về tài sản: Do chúng em sống cùng với bố mẹ chồng, mà trong hộ khẩu gia đình chỉ có tên mẹ chồng em, chồng em và con gái em. Em muốn sau khi ly hôn có được một phần tài sản để cho con gái em được hưởng để đỡ thiệt thòi thì có được hưởng không ạ? Nếu được thì em phải những thủ tục gì ạ?

Trên đây là những thắc mắc của em, em rất mong luật sư trả lời giúp em sớm nhất để em có hướng giải quyết tốt nhất. Em xin trân trọng cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, về vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi vợ chồng ly hôn

Theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ không trực tiếp nuôi con như sau:

"Điều 82: Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."

Theo quy định của pháp luật, cha mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, trừ trường hợp các cha hoặc mẹ là người trực tiếp nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng và tòa án xét thấy các bên hoàn toàn tự nguyện. 

Đối với trường hợp của chị, theo thỏa thuận của hai bên thì chị giành được quyền trực tiếp nuôi con; và theo quy định của Luật thì chồng chị buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với khoản tiền đảm bảo cuộc sống cho con chung của hai vợ chồng. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con, trong quá trình giải quyết thủ tục ly hôn chị có quyền yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vấn đề cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn. 

2. Về mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Căn cứ quy định tại điều 116 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về mức cấp dưỡng nuôi con như sau:

"Điều 116: Mức cấp dưỡng:

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết".

Ngoài ra, pháp luật quy định khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Chị có quyền thỏa thuận tăng, giảm mức cấp dưỡng, trường hợp không thỏa thuận được thì chị có quyền yêu cầu TAND giải quyết.

Điều 61 Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 quy định về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình:

"1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này".

Trong trường hợp sống chung với gia đình, nếu có căn cứ chứng minh chị có tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình thì chị có quyền yêu cầu chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình để đảm bảo quyền lợi của mình. Chị có quyền và nghĩa vụ cung cấp yêu cầu của mình đúng theo quy định của pháp luật (chứng minh thu nhập hợp pháp trong quá trình hai vợ chồng chung sống; hoặc nguồn gốc hình thành các khối tài sản khác,...).

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo