Nguyễn Văn Cảnh

Không tham gia vụ xô xát có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hôm đó bạn em có nhờ em đi lên nhà bạn gái nó để rước bạn gái nó về, nhưng em không hiểu sao đi tới hơn mười người. Khi lên tới nơi thì em chỉ đứng ở ngoài đợi sau khoảng hơn nửa tiếng thì bạn em chạy ra kêu chạy đi và em thấy có rất nhiều người đuổi theo, vậy là em chạy.


Trong khi chạy bạn em có kêu em dẫn theo bạn gái nó chạy vậy là em chở bạn gái nó về trước. Vài hôm sau em được biết trong lúc xảy ra xô xát, một người trong nhóm đã đâm vào bụng bố của bạn gái của bạn em và giờ bạn em đã bị tạm giam. Hôm nay em cũng bị công an xuống tận công ty bắt em và người đâm bố của bạn gái của bạn em về để cho lời khai, sau một ngày cho lời khai thành thật thì em được thả cho về chỉ kêu em photo chứng minh nhân dân để lại thôi. Vậy luật sư cho e hỏi: em có bị truy tố hình sự không ạ, em không hề tham gia đánh ai chỉ đi chung thôi mong luật sư tư vấn giúp em.
 

Trả lời tư vấn: Luật Minh Gia cảm ơn câu hỏi và đề nghị tư vấn của bạn. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn không hề biết cũng như không tham gia vụ xô xát. Do đó, bạn không  thực hiện tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 về Xác định sự thật của vụ án của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

 

Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

 

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.

 

Đối với trường hợp này của bạn, khi có tố giác tội phạm, cơ quan điều tra có trách nhiệm lấy lời khai của người bị” nghi thực hiện tội phạm” ( do bạn đi cùng nhóm người xô xát).

 

Trong quá trình lấy lời khai và điều tra xác minh, nếu thấy không có dấu hiệu tội phạm, bạn sẽ có thể được mời làm người làm chứng. Căn cứ theo quy định tại Điều 66 về Người làm chứng của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

 

1. Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.

....

3. Người làm chứng có quyền:

 

a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

 

b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

 

c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;

 

d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.

 

4. Người làm chứng có nghĩa vụ:

 

a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

 

b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

 

5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự.

 

6. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.

 

Trân trọng!

Phòng luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo