LS Vy Huyền

Ly hôn hòa giải mấy lần? Không muốn ly hôn làm thế nào?

Luật sư tư vấn về trường hợp hỏi về hòa giải khi giải quyết ly hôn khi một bên không muốn ly hôn, có thể viết đơn xin hoãn việc ly hôn hoặc nên làm thế nào để không phải ly hôn và trường hợp ly hôn đơn phương nhưng chồng giữ hết các giấy tờ. Nội dung cụ thể như sau:

1. Hòa giải ly hôn thực hiện mấy lần và không muốn ly hôn làm thế nào?

Câu hỏi:

Em chào anh chị ạ. Em có câu hỏi muốn hỏi luật sư Gia Minh trả lời giúp em.

Vợ em năm nay 29 tuổi. Vợ chồng em sống với nhau tới giờ là 12 năm nhưng trong vấn đề chăn gối thì không được êm ấm,  và đôi lúc có xô sát.Sau đó, em ngoại tình với người khác nhưng được 01 tháng thì em lại quay về với vợ em. Từ đó thì thỉnh thoảng có cãi vã và cả đánh lộn với nhau và em có tát vợ e mấy cái  vì tức giận sau khi bị vợ em đạp  gãy răng. Còn một lần vợ em cấu em chảy máu tại, em đã lấy chổi quét nhà đánh vợ em. Và vợ em đã viết đơn li dị  và gửi lên toà.

Từ ngày 15/1/20xx, vợ e trốn đi luôn để chờ toà án giải quyết. Nhưng em không muốn bỏ vợ em.Hiện tại, vợ chồng em có 2 đứa con một cháu 12 tuổi, 1 cháu 7 tuổi, và giờ con em đang tuổi ăn học và dễ bị tổn thương đến tình cảm  nên em kêu vợ em quay về  nhưng vợ em không về và quyết định ly dị. Nhưng em không muốn bỏ vợ em các con, không muốn người có bố người không có mẹ. Vậy em có thể viết đơn xin hoãn việc ly hôn hoặc em nên làm thế nào để không phải ly hôn? Khi giải quyết ly hôn thì tòa án sẽ hòa giải thế nào? Em mong anh chị cho em lời khuyên,  em xin trân thành cảm ơn. 

Trà lời:

Cảm ơn bạn đã gửi nội dung đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

- Về quyền yêu cầu ly hôn

Theo quy định tại Điều 51, Luật Hôn nhân & Gia đình 2014 :

''1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

...

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.''

Trong trường hợp của bạn, vợ bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

- Về hòa giải khi giải quyết ly hôn

Sau khi Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn của vợ bạn, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự (Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân Gia đình 2014).

Thủ tục hòa giải tại Tòa là thủ tục bắt buộc và theo quy định tại Điều 52, Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:

''Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.''

Việc hòa giải ở cơ sở được hiểu là tiến hành hòa giải ở cấp thôn, xóm, làng, ấp, bản, tổ dân phố, cụm dân cư. Việc này được nhà nước khuyến khích tiến hành. Đây là việc không bắt buộc nhưng nên tiến hành thực hiện, vợ chồng có thể lựa chọn áp dụng thủ tục này hay không. Nhưng áp dụng thủ tục này rất có lợi cho việc hòa giải giữa vợ và chồng.

Bạn mong muốn không phải ly hôn với vợ mình thì trước tiên, bạn cần liên lạc với vợ mình thông qua gia đình vợ, bạn bè.

Sau đó, bạn có thể nhờ sự giúp đỡ của đại diện tổ dân phố, hội phụ nữ và gia đình hai bên nội ngoại để tiến hành hòa giải tại cấp cơ sở. Buổi hòa giải này rất có lợi cho bạn nếu bạn thực sự biết hối lỗi, trao đổi thẳng thắn với vợ mình để giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn  từ đó có thể làm lành với nhau.

Nếu vợ bạn vẫn quyết định ly hôn, thì tiếp đó sẽ tới buổi hòa giải tại cấp Tòa án.

Nếu buổi hòa giải tại cấp Tòa án vẫn không thành công, thì Tòa án sẽ đưa vụ việc ly hôn này ra xử lí theo quy định tại khoản 1 điều 56, Luật hôn nhân gia đình 2014:

''Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.''

Vì trong vụ việc ly hôn của bạn, bị đơn là bạn nên bạn không thể xin tạm hoãn hay hủy việc ly hôn.

Bạn không muốn ly hôn thì bạn chỉ có thể có cơ hội tại các buổi hòa giải. Bạn hãy thực sự hối lỗi và mong vợ bạn tha thứ, giải quyết tất cả các mâu thuẫn đã có từ trước tới nay, tác động lên vợ thông qua hai đưa trẻ và gia đình hai bên nội ngoại để vợ bạn có thể tha thứ cho bạn. Rút lại quyết định ly hôn.

Chúc gia đình bạn sớm hòa thuận, không phải rơi vào tình trạng ly hôn, đổ vỡ.

>> Tư vấn quy định về hòa giải ly hôn, gọi: 1900.6169

---

2. ​Có thể ly hôn đơn phương được không khi chồng giữ hết giấy tờ?

Câu hỏi:

Dạ em xin chào luật sư. Em và chồng em kết hôn được 6 năm. Và hiện tại có một cháu trai 5 tuổi. Em và chồng em đã ly thân được 3 năm. Con em thì gia đình chồng nuôi dạy vì hoàn cảnh và cuộc sống nên em không thể lo lắng và nuôi dạy con cái. Rất nhiều lần gia đình chồng và chồng em kêu em về nhưng có lẽ vì không còn tình cảm với chồng và không vượt qua được cuộc sống trong gia đình nên em không quay về. Em biết mình bỏ đi vậy là sai nhưng nhiều lần muốn về thăm con đều lo sợ gia định và chồng em can ngăn. Nay em muốn làm đơn ly hôn đơn phương. 

Thứ nhất : giấy tờ chồng em giữ hết, và hiện tai em chưa cắt khẩu về nhà chồng em .Vậy cho em hỏi khi không có một giấy tờ nào bên chồng thì em phải làm sao ? Và giấy tờ anh ấy giữ hết thì em sẽ phải làm gì?.Và chắc chắn một điều gia đình chông không cho em mượn sổ hộ khẩu nhà anh ấy. Và em sẽ nộp đơn ly hôn ở đâu khi e không biết thật ra hiện tai chồng em đứng ở sổ hộ khẩu nào. Vì bố chồng em mất rồi. Và em phải viết đơn ra sao khi tình cảm của em không còn ,và lỗi Của em là bỏ đi không chăm sóc con mình. Nhưng không phải em không muốn về thăm con ,tại vì e sợ gia đình a ấy gây khó khăn cho em .Vi vậy em muốn ly hôn để mình có thể về thăm con mà k phải lo so điều gì. Em mong luật sư tu vấn giúp em!

Trả lời:

Cảm ơn chị đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia.Trường hợp của chị, chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Về ly hôn theo yêu cầu một bên

Căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

''1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.''

Theo thông tin chị cung cấp, hiện tại chị và chồng đã ly thân được 3 năm, do không còn tình cảm với nhau nên chị và chồng không thể tiếp tục chung sống. Trường hợp phía người chồng không đồng ý ly hôn thì chị có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương. Tòa án sẽ căn cứ việc vợ, chồng có vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được để giải quyết việc ly hôn.

Hồ sơ giải quyết ly hôn bao gồm:

- Mẫu đơn xin ly hôn

- Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

- Bản sao sổ hộ khẩu của vợ và chồng (chứng thực)

- Bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân của vợ và chồng (chứng thực)

- Bản sao Giấy khai sinh của con (chứng thực)

- Các giấy tờ chứng minh về tài sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe…v.v..

Như vậy, để tiến hành thủ tục giải quyết ly hôn, trước tiên chị cần nộp hồ sơ ly hôn ra Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi chồng chị đang cư trú để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, trường hợp nếu chồng chị giữ hết các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, Sổ hộ khẩu, Giấy khai sinh của con hay các giấy tờ liên quan khác, gây khó dễ cho việc hoàn tất hồ sơ làm thủ tục ly hôn đơn phương của chị. Chị vẫn có thể tiến hành thủ tục ly hôn đơn phương bằng cách sau:

- Với Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn: Chị liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi chị đăng kí kết hôn để xin cấp bản sao giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Nộp kèm hồ sơ bản sao Giấy chứng nhận đăng kí kết hôn và nêu rõ lý do không có giấy đăng ký kết hôn bản chính trong đơn ly hôn.

- Với sổ hộ khẩu: Chị liên hệ với công an xã (phường) nơi chồng chị thường trú để xin xác nhận là chồng chị có nhân khẩu thường trú tại địa phương vào đơn ly hôn hoặc xin giấy xác nhận là nhân khẩu thường trú tại địa phương riêng.

- Với giấy khai sinh của con: Liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi chị đăng kí khai sinh cho con để xin cấp bản sao.

Ngoài ra, đối với các giấy tờ mà hồ sơ còn thiếu hoặc chỉ có bản sao, chị có thể  trình bày trong đơn ly hôn và yêu cầu Tòa án yêu cầu chồng cung cấp giấy tờ để tiến hành thủ tục ly hôn theo quy định.

Về vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm nom con

Tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”

Đối với quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con được quy định trong Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình như sau:

Xem trích dẫn quy định pháp luật

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, trong thời gian chị và chồng đang ly thân hay đã ly hôn thì chị vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, thăm nom con, không ai được cản trở chị thực hiện những quyền đó. Trường hợp, nếu chồng và gia đình chồng có hành vi cản trở, ngăn cấm việc chị thăm nom, chăm sóc con thì chị có thể khai báo sự việc tới chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo