Nguyễn Kim Quý

Không lập hợp đồng hợp tác kinh doanh có đòi lại được tiền?

Công ty A và công ty B chỉ thỏa thuận miêng về hợp tác kinh doanh, sau khi B chuyển tiền, bên A không làm hợp đồng cũng không tuân thủ những gì hai bên đã thỏa thuận. Bên B yêu cầu bên A trả tiền nhưng bên A không trả.

Nội dung tư vấn: Kính thưa luật sư cho hỏi. Lãnh đạo Công ty A và công ty B có nói chuyện và thỏa thuận miệng với nhau về hợp tác kinh doanh về đặc điểm và quyền lợi. Công ty A nói cty B chuyển tiền hợp tác rồi mới làm hợp đồng. Công ty B dùng tài khoản Công ty chuyển tiền cho giám đốc công ty A (công ty A có công văn thông báo là mọi giao dịch đều chuyển qua tài khoản giám đốc cty A). Sau khi bên B chuyển tiền xong Bên A kéo dài thời gian và không làm hợp đồng, và đặc điểm và quyền lợi bên A đưa ra không đúng lúc đầu. Bên B đã làm 3 công văn yêu cầu Bên A hoàn trả lại tiền nhưng Bên A ko chịu trả vì đưa ra lý do khi nào bên A bán xong sản phẩm mới trả. Như vậy Bên A có vi phạm pháp luật không? Vi phạm điều luật nào? Xin cảm ơn.

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Lãnh đạo công ty A và công ty B chỉ có thỏa thuận miệng về việc hợp tác kinh doanh mà không lập thành văn bản. Nếu công ty B có chứng cứ chứng minh về sự thỏa thuận ban đầu giữa các bên như bản ghi âm, ghi hình hoặc người làm chứng,… thì nếu bên A không thực hiện đúng theo những gì đã thỏa thuận, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng, tức là việc bên A không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp mà hai bên đã thỏa thuận dẫn đến việc bên B không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng mà ở đây là việc hợp tác kinh doanh với bên A, thì bên B có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại với bên A theo quy định tại Điều 423 BLDS 2015:

 

“Điều 423. Hủy bỏ hợp đồng

 

1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp sau đây:

 

a) Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;

 

b) Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng;

 

c) Trường hợp khác do luật quy định.

 

2. Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

 

3. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”

 

Bởi hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự cuả các bên nên và hình thức của hợp đồng có thể là lời nói, hành vi hoặc văn bản nên nếu bên A có sự vi phạm về nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận ban đầu dẫn đến việc bên B không thể đạt được mục đích của hợp đồng là hợp tác kinh doanh với bên A thì bên B có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bòi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 423 BLDS 2015. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 427 BLDS 2015 như sau:

 

"Điều 427. Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng

 

1. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

 

2. Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.

 

Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả.

 

Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được thực hiện cùng một thời điểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

 

3. Bên bị thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia được bồi thường.

 

4. Việc giải quyết hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này và luật khác có liên quan quy định.

 

5. Trường hợp việc hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ quy định tại các điều 423, 424, 425 và 426 của Bộ luật này thì bên hủy bỏ hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự do không thực hiện đúng nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.”

 

Như vậy, vì bên A đã có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng nên bên B có quyền hủy bỏ hợp đồng này và đòi lại số tiền đã gửi cho bên A bởi hợp đồng bị hủy bỏ thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Công ty A buộc phải trả lại khoản tiền mà công ty A đã nhận của công ty B, công ty B cũng phải trả lại những gì đã nhận thông qua hợp đồng này với công ty A. Trường hợp công ty A gây thiệt hại cho công ty B thì công ty A có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại đó. Nếu công ty A cố tình không trả lại tiền cho công ty B, công ty B có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án cưỡng chế công ty A thực hiện nghĩa vụ với mình.

 

Trân trọng

Phòng luật sư tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo