Không đồng ý với bản án của Tòa án thì phải làm như nào?
1. Luật sư tư vấn thủ tục giám đốc thẩm bản án dân sự
Tại nước ta hiện nay, việc xét xử các vụ án dân sự được thực hiện theo chế độ hai cấp xét xử là cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Trong thời hạn luật định, nếu thấy bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với sự thật khách quan hoặc không theo đúng quy định pháp luật thì đương sự có quyền kháng cáo hoặc Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Tuy nhiên, hết thời hạn luật định; nếu bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm thì đương nhiên có hiệu lực; còn bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án có tính chất chung thẩm và được thi hành ngay.
Tuy nhiên, từ thực tiễn xét xử cho thấy trên thực tế nhiều vụ án, kể cả những vụ đã qua hai cấp xét xử và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật những vẫn phát hiện có sai lầm trong quá trình giải quyết làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, các quy định về thủ tục giám đốc thẩm dân sự đã được ban hành. Đây là một thủ tục đặc biệt của tố tụng dân sự, để xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ.
Trong trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến việc kháng cáo, yêu cầu kháng cáo hãy liên hệ Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.
>> Luật sư tư vấn thủ tục tố tụng tại tòa án, gọi: 1900.6169
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Trường hợp không đồng ý với bản án của tòa án thì phải làm như thế nào?
Câu hỏi tư vấn:
Kính chào anh/ chị Luật sư của Luật Minh Gia! Hiện tại em muốn nhờ luật sư tư vấn giúp về tranh chấp dân sự đã có quyết định của toà án cấp tỉnh, mong Luật sư phản hồi. Vào khoảng năm 2011- 2013 bố mẹ em có vay tiền của 1 người với số tiền khoảng gần 200 triệu đồng chia làm nhiều đợt. Trong khoảng thời gian từ 2011- 2017 bố mẹ em cũng đã trả người này rất nhiều lần nhưng tiền lãi đẻ ra quá lớn. Ngày 16/7/2017 người này có thuê người ép bố mẹ em đến nhà họ để tính toán sổ sách, sau khi tính lãi suất cao và trừ các khoản đã trả người này ép bố mẹ em phải viết giấy vay tiền với số tiền là 404 triệu và bố mẹ em đã ký vào giấy đó. Tuy nhiên, mấy ngày sau bố mẹ em nhớ ra có 1 số khoản tiền mà bố mẹ em trả người đó vẫn chưa được đối trừ (một số khoản có giấy tờ chữ ký của người đó và một số khoản có người làm chứng) lên đến vài trăm triệu đồng. Ngay sau đó bố mẹ em đến nhà người này yêu cầu tính lại thì người này từ chối và viết đơn kiện bố mẹ em đòi lại số tiền 404 triệu đồng và đã được Toà án nhân dân cấp huyện xử thắng kiện. Không đồng ý với kết quả, bố mẹ em gửi đơn lên Toà án nhân dân cấp tỉnh yêu cầu xét xử lại vụ án. Sau khi xét xử, Toà án nhân dân cấp tỉnh đã không chấp nhận đối trừ những khoản tiền chưa tính toán ngày 16/7/2017 (mặc dù có người làm chứng bố mẹ em trả tiền người đó và một số lần trả tiền có giấy tờ) mà vẫn giữ nguyên quyết định của Toà án cấp huyện, bố mẹ em không đồng ý với quyết định của Toà án, Toà án báo bố mẹ em nếu trong 10 ngày không chấp nhận sẽ tiến hành cưỡng chế và ép đóng án phí thua kiện. Em muốn hỏi như vậy có phải Toà án cấp tỉnh và cấp huyện đã xử oan sai cho bố mẹ em hay không? Và bố mẹ em phải làm gì để lấy lại công bằng. Em mong các Luật sư tư vấn giúp. Em xin cảm ơn.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Trong trường hợp này vì chưa rõ hồ sơ và các khoản nợ đã thanh toán và nợ gốc còn lại, cho nên bạn cần thu thập các hồ sơ để xác định số nợ của gia đình. Nếu như bạn thấy quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của cá nhân thì bạn có thể làm đơn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm.
Điều 325 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định: Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ quy định tại Điều 326 của Bộ luật này.
Khoản 1 Điều 326 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015 quy định căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm :
“1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.”.
>> Luật sư giải quyết tranh chấp tại tòa án, liên hê: 1900.6169
Điều 331. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
“1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ”.
Theo như pháp luật quy định thì bạn có thể viết đơn Đề nghị xem xét quyết định của Tòa án theo thủ tục Giám đốc thẩm gửi lên người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm( Điều 331 Bộ luật tố tụng dân sự 2015). Chánh án tòa án nhân dân cấp cao hoặc Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thời hạn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm là 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu bạn không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì bạn có thể làm đơn kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, để xem xét lại quyết định của Tòa án.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu chưa rõ cần hỗ trợ bạn vui lòng liên hệ luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất