Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Không đăng ký kết hôn có được hưởng di sản thừa kế của chồng?

Quyền thừa kế được pháp luật quy định như thế nào? Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế? Thừa kế theo di chúc có gì khác so với thừa kế theo pháp luật? Trường hợp các bên không đăng ký kết hôn thì có được hưởng đi sản thừa kế của nhau không?

1. Luật sư tư vấn phân chia di sản thừa kế

Quyền thừa kế là một trong những quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong Bộ luật dân sự. Theo đó, Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Việc xác định di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế là một trong những yếu tố pháp lý quan trọng, không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người được hưởng di sản mà còn ảnh hưởng đến quyền của những cá nhân khác có liên quan. Những quy định pháp luật liên quan đến chế định thừa kế là cơ sở quan trọng để xác định các loại tài sản nào được để lại thừa kế, phạm vi được định đoạt trong tài sản chung, quyền của người hưởng thừa kế,...

Tuy nhiên, trên thực tế không phải cá nhân nào cũng nắm rõ và áp dụng đúng quy định pháp luật liên quan đến vấn đề thừa kế, dẫn đến các trường hợp phân chia di sản thừa kế không đúng, hết thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế,...Để hạn chế những rủi ro không đáng có như trên thì khi gặp vướng mắc liên quan đến thừa kế, bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Không đăng ký kết hôn có được hưởng di sản thừa kế của chồng không?

Câu hỏi: Chào luật sư, tư vấn giúp tôi quy định về vấn đề hưởng di sản của vợ hoặc chồng khi không có đăng ký kết hôn như sau: Chúng tôi đều là những người dở dang trong hôn nhân: anh ấy ly dị vợ, còn tôi chồng mất, đã tự nguyện chung sống như vợ chồng từ năm 1990 đến nay. Tuy nhiên, do luống tuổi, một phần vì ngại nên không đi đăng ký kết hôn, cũng không có bất cứ nghi thức cưới xin nào.

Vừa rồi chồng tôi chẳng may qua đời (mất đột ngột nên cũng không lập di chúc), vậy tôi có được hưởng di sản thừa kế của chồng tôi theo quy định của pháp luật không? Tôi xin cảm ơn.

TRẢ LỜI: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo  Mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ10 về thi hành Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:

"a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;

b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;

c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết".

Và Khoản 3 Điều 12 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật, cụ thể là: 

"1. Khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy thì hai bên kết hôn phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng.

2. Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.

3. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 16 của Luật này."

Dẫn chiếu điều 16 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:

"Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập."

Như vậy, tuy anh chị đã sống chung với nhau như vợ chồng kể từ năm 1990 đến nay nhưng sau ngày 01/01/2003 anh chị vẫn không đăng kí kết hôn nên anh chị sẽ không được công nhận là vợ chồng. Khi “chồng” chị qua đời và không có di chúc, chị sẽ không được hưởng thừa kế của anh ấy. Đối với tài sản khi sống chung như vợ chồng thì tài sản riêng của ai vẫn của người đó, tài sản chung được tạo lập trong quá trình sống chung sẽ được chia theo nguyên tắc phân chia tài sản chung, tức là phân chia theo thỏa thuận của 2 bên hoặc theo quyết định của Tòa án. Tuy nhiên do “chồng” chị đã mất nên không thể thỏa thuận được, vì vậy chị có quyền yêu cầu Tòa án phân chia số tài sản chung này.

- Không đăng ký kết hôn có được hưởng thừa kế không?

Kính chào quý luật sư. Xin quý luật sư giải đáp thắc sau hộ tôi: Ba tôi mất không để lại di chúc và khi còn sống không đăng kí kết hôn với mẹ tôi (kết hôn năm 1992), ông có hai người con H (1995) và P (2003), ba tôi có để lại một mảnh đất(có giấy tờ đứng tên ba tôi) được thừa hưởng của ông bà nội tôi.

Ông bà nội tôi mất năm 1993 do thời gian lâu nên không may đánh mất giấy chứng tử và phần đất của ba tôi được thừa hưởng đó được anh em( của ba tôi) tự thỏa thuận và chia 2010. Tôi có từng đi đến cơ quan để thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho mẹ tôi nhưng vì lí do không có giấy kết hôn nên cơ quan chức năng nói mẹ tôi không được thừa kế phần di sản này và bảo tôi là phải về địa phương xin giấy xác nhận cho ba tôi là chưa đăng kí kết hôn lần nào, và xin giấy chứng tử của ông bà nội tôi. vậy trong trường hợp này tôi phải làm sao, hướng giải quyết là như thế nào để nhanh chóng thực hiện xong thủ tục. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo  Mục 3 Nghị quyết 35/2000/NQ10 về thi hành Luật hôn nhân và gia đình quy định như sau:

"b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.

Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng;"

Như vậy, tuy bố mẹ bạn đã sống chung với nhau như vợ chồng kể từ năm 1992 đến nay nhưng sau ngày 01/01/2003 bố mẹ bạn vẫn không đăng kí kết hôn nên về mặt pháp lý bố mẹ bạn không được công nhận là vợ chồng. Khi bố bạn qua đời và không có di chúc, mẹ bạn sẽ không được hưởng thừa kế theo pháp luật của bố bạn vì căn cứ tại Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 quy định về những người thừa kế theo pháp luật thì hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Do ông bà nội đã mất, mẹ bạn không được pháp luật thừa nhận là vợ hợp pháp của bố bạn, nên trong trường hợp của bạn, những người thừa kế theo pháp luật của bố bạn (đồng thừa kế) gồm: 2 con là H và P

Trường hợp 2 bạn muốn chuyển toàn bộ mảnh đất là di sản thừa kế sang cho mẹ bạn, thì có thể thực hiện như sau:

Thứ nhất, do P sinh năm 2003, tính đến 2016 mới 13 tuổi. Do vậy, việc tham gia quan hệ dân sự sẽ phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Theo đó, mẹ bạn sẽ là người đại diện theo pháp luật của P và thay P tham gia vào thủ tục khai nhận di sản thừa kế. 

Thứ hai, thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế. 

Những người đồng thừa kế chuẩn bị hồ sơ sau:

- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;

- Chứng minh thư, giấy khai sinh đối với P,  sổ hộ khẩu;

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại Phòng công chứng thuộc UBND huyện hoặc Văn phòng công chứng tư nhân nơi có đất. 

Sau khi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế, H và P có thể tiến hành thủ tục sang tên quyền sử dụng đất. Sau đó tặng cho quyền sử dụng đất này cho người mẹ. 

Thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất chúng tôi đã trình bày cụ thể ở bài viết sau, bạn có thể tham khảo nội dung chúng tôi đã tư vấn sau đây:

>> Trình tự - thủ tục tặng cho con quyền sử dụng đất thế nào?

Lưu ý:  Việc sang tên quyền sử dụng đất và tặng cho quyền sử dụng đất chỉ thực với diện tích đất thuộc quyền ủa H (H là người đã thành niên nên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ ) . Đối với P mới 13 tuổi, nên không thể đứng tên trong quyền sử dụng đất và không thể thực hiện việc tặng cho tài sản cho chính người đại diện theo pháp luật của mình. Do vậy, đối với tài sản thuộc quyền ở hữu của P thì người mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật đứng ra quản lý tài sản cho đến khi P đủ tuổi thành niên. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169