Lò Thị Loan

Không có khả năng thanh toán khoản vay cho ngân hàng thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Luật sư tư vấn về lãi suất cho vay của ngân hàng. Nếu không thanh toán được khoản vay thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

Chào luật sư ! Tháng 1 vừa qua em có vay tín chấp của ngân hàng  với số tiền là: 200.000.000 triệu. Em có tín chấp giấy phép kinh doanh của cửa hàng. Trong đó em phải trả lãi và gốc hàng tháng là 6.989.000/tháng. Thời gian đầu em có thanh toán đầy đủ. Trong tháng 5 vừa rồi en có quá hạn 10 ngày sau cũng đã thanh toán đầy đủ nhưng số tiền ngân hàng yêu cầu là 7.000.000 đ. Và đến tháng 6 này ngân hàng báo số tiền nộp có sự không cân bằng: Lãi tháng 5: 5.381.446đ. Nhung sang tháng 6 là: 5.517.000đ. Gốc tháng 5: 1.516.657. Nhưng sang tháng 6 là: 1.380.073 đ. Em thấy có sự vô lý. Bình thường là giảm lãi tăng gốc nhưng đằng này lại ngược lại. Thời gian này do làm ăn thua lỗ không có khả năng thanh toán lãi mà em chỉ lo được gốc cho ngân hàng.

- Xin hỏi luật sư là làm như vậy có được không ạ ? Em phải làm gì để được giảm lãi xuất ?

- Lãi xuất ngân hàng  cho vay có đúng với quy định của nhà nước không ạ? Nếu không còn khả năng thanh toán có bị ngân hàng truy tố trách nhiệm hình sự ? Tin luật sư cho em những lời khuyên hữu ích, xin cảm ơn.    

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về lãi xuất cho vay của ngân hàng

 

Theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, Thông tư quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định:

 

“1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.”

 

Lãi xuất cho vay sẽ do bạn với đại diên bên ngân hàng VPbank thỏa thuận với nhau. Như vậy lãi suất ngân hàng cho vay vẫn đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy số tiền lãi ngân hàng yêu cầu bạn nộp có sự sai sót thì bạn có thể yêu cầu ngân hàng giải thích về số tiền lãi này.

 

Còn việc bạn muốn giảm lãi suất thì chỉ có cách là bạn thỏa thuận và được sự đồng ý của bên ngân hàng.

 

Thứ hai, về việc không có khả năng thanh toán thì có bị ngân hàng truy cứu TNHS không?

 

Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

 

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

 

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

 

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

 

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

 

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 

Như vậy theo quy định của pháp luật thì bạn phải có nghĩa vụ trả khoản tiền vay cho ngân hàng. Nếu bạn không trả tiền hoặc không trả đủ số tiền đã vay khi đến hạn thì ngân hàng co quyền khởi kiện bạn tới tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự, buộc bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

 

Nếu như bạn có hành vi dùng thủ đoạn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, hành vi của bạn xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng và ngân hàng có đủ bằng chứng để chứng minh hàng vi đó của bạn thì ngân hàng có thể kiện bạn về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999.

 

“Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 

 

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

...

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

 

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

...

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !

CV tư vấn: Hương Giang - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo