Luật sư Việt Dũng

Không có giấy đăng ký kết hôn có được yêu cầu cấp dưỡng?

Chào quý công ty Luật Minh Gia . Em muốn nhờ Luật Minh Gia tư vấn giúp trường hợp của em. Em có quen một người nước ngoài ( Hà Lan ). Em mang thai nhưng người đó bắt em phải bỏ.

Trường hợp em không bỏ thì em tự nuôi người đó sẽ không hỗ trợ em và em đừng làm phiền người đó nữa. Em muốn hỏi em có thể yêu cầu người đó học trợ em không. Vì hiện tại em đang học. 8 tháng nữa em mới học xong, chư có điều kiện nuôi con. Nếu yêu cầu được thì thủ tục như thế nào? Và bên luật Minh Gia có hỗ trợ em để yêu cầu hỗ trợ hay không? Em xin cảm ơn và mong nhận được phản hồi từ luật Minh Gia.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Vì hiện tại bạn và người kia không tồn tại quan hệ hôn nhân , không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nên nếu bạn muốn người cha của con cấp dưỡng thì trước hết phải làm thủ tục xác nhận cha cho con theo Điều 101 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Hồ sơ để yêu cầu xác định cha cho con bao gồm:

- Đơn yêu cầu xác đinh cha cho con (có thể xin tại Tòa án);

- Chứng minh thư nhân dân của mẹ (bản photo có chứng thực);

- Sổ hộ khẩu của mẹ (photo có chứng thực);

- Giấy khai sinh của con (photo có chứng thực);

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha con (có thể là: - Giấy tờ hoặc thư do người bị kiện viết trong đó có thừa nhận đứa bé là con mình; - Xác nhận của công đồng dân cư về việc chung sống như vợ chồng,…).

Trong trường hợp vụ án được thụ lý giải quyết và đưa ra xét xử, Tòa án có thể yêu cầu trưng cầu giám định AND để xác định quan hệ cha con. Chỉ khi cơ quan có thẩm quyền công nhận mối quan hệ cha con thì người mẹ mới có quyền yêu cầu người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình.

Sau khi xác đinh được quan hệ cha con, người cha không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 . Người mẹ có thể làm đơn yêu cầu cấp dưỡng sau khi đã có quyết định xác định cha con của Tòa án hoặc gửi đồng thời yêu cầu này khi nộp đơn xác định quan hệ cha con.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 tại Điều 107, Điều 119 Nghĩa vụ cấp dưỡng quy định:

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.

Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.

Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó."

Như vậy, bạn muốn yêu cầu cha cấp dưỡng cho con khi không có giấy chứng nhận kết hôn bạn phải làm thủ tục xác nhận cha cho con sau khi làm thủ tục xác nhận cha cho con bạn yêu cầu người cha cấp dưỡng cho con theo đúng quy định pháp luật. Khi này bạn cần hoàn thiện bộ hồ sơ gửi lên Tòa án nhân dân cấp tỉnh để giải quyết, bởi lẽ đây là vụ việc có yếu tố nước ngoài nên thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo