Khi ly hôn tài sản chia như thế nào và nghĩa vụ trả nợ thuộc về ai?

Trước đây em và gia đình sinh sống trong nam. Nhưng sau đó bố mẹ e có mâu thuẫn và không ở được với nhau nên mẹ chuyển em ra bắc học ĐH và sau đó tầm 1 năm mẹ em cũng chuyển ra ở nhà ngoại với em.

Chào Luật sư. Hiện tại gia đình em đang gặp 1 chút rắc rối nên phiền luật sư tư vấn hộ em.Gia đình em có 3 người, bố mẹ và em. Trước đây em và gia đình sinh sống trong nam. Nhưng sau đó bố mẹ e có mâu thuẫn và không ở được với nhau nên mẹ chuyển em ra bắc học ĐH và sau đó tầm 1 năm mẹ em cũng chuyển ra ở nhà ngoại với em. Trong thời gian đó bố có ra thăm 2 mẹ con nhưng sau đó lai vào nam chứ không ở lại lâu. Lâu lâu bố có gửi ra 1 ít tiền cho em đi học nhưng chủ yếu mẹ là người nuôi em ăn học. Mẹ quyết định li hôn vì bố em trong đó có quan hệ bất chính với 1 người phụ nữa đã li hôn chồng . Nhưng bố em không chịu và mối quan hệ dây dưa từ năm 1 ĐH đến bây giờ em đã học năm 3. Nay vấn đề còn căng thẳng hơn khi bố em vay mượn tiền và số tiền đó em và mẹ không hề hay biết. Khi người ta gọi đòi nợ mẹ thì mẹ mới ngỡ ngàng. Họ còn hù không trả sẽ kiện bố mẹ em. (hàng xóm thì biết bố em vay tiền mua đất cho người phụ nữ kia). Vậy luật sư cho em hỏi : 

 

1 . Khi vay mượn không có chữ kí của mẹ em thì mẹ em có phải chịu trách nhiệm với số nợ đó k ?

 

 2 . Nếu người cho vay nợ cứ gọi điện hù doạ và làm phiền mẹ em thì mẹ em có quyền kiện họ tội quấy rối k ạ ?

 

3 . Bây giờ mẹ em muốn li hôn thì sau khi li hôn số tài sản nợ kia sẽ phải trả như thế nào và sau khi trả xong tài sản chung sẽ chia ntn ạ ? 

 

4 . Nếu bố em không có khả năng chi trả sẽ phải đi tù k ? hay em có phải đứng ra trả số nợ đó k ?Em mong sẽ sớm nhận được câu trả lời của luật sư.

 

 Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến công ty luật Minh Gia .

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Với câu hỏi thứ nhất, theo quy định tại điều 60 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì khi ly hôn vợ, chồng có tranh chấp về nghĩa vụ của tài sản đối với người thứ 3 thì sẽ áp dụng quy định tại điều 27, 37 và 45 luật này:
 


"1. Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.



2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ tài sản thì áp dụng quy định tại các điều 27, 37 và 45 của Luật này và quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết".


 
Theo quy định tại điều 37 Luật Hôn nhân Gia đình về nghĩa vụ chung tài sản của vợ chồng thì các nghĩa vụ sau đây sẽ dùng tài sản chung của cả hai để giải quyết:


 
"1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;



2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;



3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;



4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;



5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;



6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan".


Ngoài ra, pháp luật cũng quy định tại điều 27 Luật Hôn nhân Gia đình về trách nhiệm liên đới của vợ chồng:



"1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.



2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này".


 
Trong trường hợp này, mẹ bạn không biết về việc bố bạn có vay tiền (nghĩa là không có sự thỏa thuận giữa 2 vợ chồng về việc vay nợ và sử dụng số tiền này) và việc vay tiền của bố bạn cũng không phải là quan hệ đại diện giữa vợ và chồng theo quy định tại điều 24, 25, 26 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 nên tài sản chung của vợ chồng sẽ không được dùng để thực hiện nghĩa vụ đối với người thứ theo quy định tại điều này và khi ly hôn mẹ bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với khoản nợ riêng của bố bạn.



Ngoài ra, theo quy định tại điều 30 Luật Hôn nhân Gia đình nếu việc vay tiền của chồng bạn để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình theo nhận định của cơ quan Tòa án thì bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm liên đới đới với khoản nợ này:



"Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình



1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình".



Nếu tài sản vay nợ đó không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bạn không phải chịu trách nhiệm với số tiền này.



Tuy nhiên, trong quá trính tranh chấp xảy ra tại Tòa án và nếu như bố bạn chứng minh được rằng đã có thỏa thuận với mẹ bạn về việc vay tiền và mẹ bạn có liên quan tới việc sử dụng số tiền này thì mẹ bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới.

 

Với câu hỏi thứ hai, việc mẹ bạn bị gọi điện hù dọa và làm phiền nhiều lần thì mẹ bạn hoàn toàn có quyền kiện bên cho vay hành vi quấy rối qua điện thoại. Cụ thể, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện quy định:  

 

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

 

Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác ( Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009) hoặc vu khống người khác (Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009), tùy vào mức độ, tính chất và có đủ căn cứ, hành vi quấy rối qua điện thoại sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh quy định tại Bộ luật Hình sự.

 

“Điều 121. Tội làm nhục người khác

 

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai  năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

 

a) Phạm tội nhiều lần;

 

b) Đối với nhiều người;

 

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

d) Đối với người thi hành công vụ;

 

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

Điều 122. Tội vu khống

1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

 

a)  Có tổ chức;

 

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

 

c) Đối với nhiều người;

 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

 

đ) Đối với người thi hành công vụ;

 

e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

Với câu hỏi thứ ba, theo như đã phân tích ở trên, trong quá trính tranh chấp xảy ra tại Tòa án và nếu như bố bạn chứng minh được rằng đã có thỏa thuận với mẹ bạn về việc vay tiền và mẹ bạn có liên quan tới việc sử dụng số tiền này thì mẹ bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trả nợ liên đới.

 

Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

 

1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

 

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

 

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

 

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

 

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

 

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

 

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

 

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

 

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

 

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

 

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

 

6. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

 

Theo quy định của luật, thì khối tài sản chung của bố mẹ bạn sẽ được chia đôi.

 

Với câu hỏi thứ tư, Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau:

 

“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”


Ngoài ra, tại Điều 466 Bộ luật dân sự quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:

 

“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

 

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

…”

 

Theo quy định trên, bố bạn sẽ có nghĩa vụ trả nợ trong thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng. Khi bố bạn không có khả năng thanh toán nợ thì bên vay có quyền gửi đơn khởi kiện về việc đòi lại tài sản đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú để được giải quyết. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, khi bên vay không có bất kỳ một tài sản nào để có thể thanh toán khoản nợ vay thì bên cho vay sẽ phải chịu rủi ro trong trường hợp này.


Trường hợp có đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự thì bố bạn sẽ bị áp dụng biện pháp chế tài như sau:



“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

 

Người vay có phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không sẽ do cơ quan điều tra xác minh làm rõ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thủy Tiên  - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169