Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Khi không thanh toán được nợ thì sẽ bị cưỡng chế thi hành án như thế nào?

Luật sư tư vấn về cưỡng chế thi hành án dân sự và các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự. Cụ thể như sau:

 

Trong 2 năm 2015-2016 em là đội trưởng thi công của Doanh nghiệp NN thực hiện nhiệm vụ của đơn vị giao với hình thức khoán. Tuy nhiên trong 2 năm do chưa có nhiều công trình vả lại còn phải tự đầu tư một số vật dụng cần thiết cho thi công, đến cuối năm 2016 đơn vị báo cáo chuẩn bị giải thể nên không nhận hợp đồng thi công nữa. Vì vậy em bị nợ đọng đơn vị hơn 300 triệu đồng. Nay đơn vị đã khởi kiện ra tòa. Em muốn hỏi Tư vấn luật: Vì hiện nay em chỉ có tài sản là 1 thửa đất, và nhà cấp 4 cũ xây dựng năm 2000 gắn liền (đất CLN nên nhà không có giấy phép XD) và hiện em đã xin chuyển công tác về cơ quan mới (DNNN) chỉ thu nhập từ lương 4.200.00đ đã trừ bảo hiểm (Vợ thì nội trợ không có thu nhập, hai đứa con đứa 10 tuổi, đứa 4 tuổi). Vậy em hỏi em sẽ bị xử lý như thế nào, em có được cho giữ lại nhà để ở không? Luật sẽ xử trả nợ hình thức nào??? Xin cảm ơn ạ...

 

Trả lời tư vấn:  Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối với trường hợp của bạn, bạn đang nợ đơn vị 300 triệu đồng và hiện nay đơn vị đang kiện bạn . Nếu việc khởi kiện của đơn vị đó thành công thì bạn phải trả nợ cho đơn vị đó số tiền là 300 triệu đó và nếu bạn không thể trả được thì sẽ có các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Điều 71, Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung 2014 quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành án như sau:

 

“Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án

 

1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.

 

2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.

 

3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.

 

4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.

 

5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.

 

6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định”

 

Theo đó, bạn sẽ bị cưỡng chế thi hành án theo thứ tự như trên. Như bạn có trình bày, hiện tại bạn không có tiền để trả nợ vì vậy sẽ được xem xét đến việc trừ vào thu nhập. Đối với việc khấu trừ vào thu nhập của người thi hành án thì theo quy định tại Điều 78, Luật thi hành án dân sự quy định:

 

“1. Thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác.

 

2. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

 

a) Theo thỏa thuận của đương sự;

 

b) Bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;

 

c) Thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.

 

3. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật”

 

Theo đó, mức lương hàng tháng của anh là 4.200.000 đồng mà lại phải đảm bảo đời sống cho cả gia đình (vợ không đi làm và có 2 con đang trog tuổi học hành) nên mức tiền này chỉ đủ để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu nên số tiền ương đó sẽ không thể được trừ để thi hành án.

 

Tiếp đến là việc xử lí kê biên, xử lí tài sản của người thi hành án. Như anh có đề cập thì anh có một ngôi nhà và mảnh đất duy nhất nên theo quy định tại Điều 95, Luật thi hành án dân sự như sau:

 

“ 1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.

 

2. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.”

 

Theo đó, mặc dù tài sản ngôi nhà và mảnh đất này của anh là nơi ở duy nhất của gia đình anh nhưng vẫn có thể bị kê biên và xử lý nợ nếu anh không thể hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hoặc không có tài sản nào khác để thực hiện nghĩa vụ thanh toán. 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
CV tư vấn: Hoàng Thị Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo