Nguyễn Thị Thùy Dương

Kháng cáo quá hạn là gì? Làm thế nào để được chấp thuận kháng cáo?

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là “Đảm bảo chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm”. Tức là, bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn quy định. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để đảm bảo quyền lợi cho đương sự và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan, Bộ luật Tố tụng Dân sự vẫn có phép kháng cáo quá hạn.

1. Kháng cáo là gì? 

Điều 270 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định rằng: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị.”

Mặc dù pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể giải thích thế nào là kháng cáo nhưng dựa theo quy định trên, có thể hiểu:

Kháng cáo là thủ tục yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi không đồng ý với bản án, quyết định này hoặc bản án, quyết định này chưa đảm bảo đúng quyền lợi của họ.

2. Thời hạn kháng cáo và kháng cáo quá hạn

Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về thời hạn kháng cáo như sau:

“1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.”

Như vậy, thời hạn kháng cáo là 07 ngày, đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm và 15 ngày, đối với Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm. Thời điểm bắt đầu thời hạn có thể tính từ ngày tuyên án, ngày nhận bản án, ngày nhận quyết định hoặc ngày niêm yết tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Theo quy định tại Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì “Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn […]”. Tức là, người kháng cáo nộp đơn kháng cáo khi đã quá thời hạn nêu trên.

3. Thủ tục xem xét và chấp thuận kháng cáo quá hạn

Điều 275 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định như sau:

“[…] Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

3. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định.”

Theo đó, sau khi tiếp nhận đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm lập Hội đồng và tổ chức phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn. Việc chấp thuận kháng cáo quá hạn sẽ dựa trên tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp.

Kháng cáo quá hạn được chấp thuận khi đa số thành viên của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn đồng ý chấp thuận kháng cáo quá hạn.

Như vậy, có thể thấy, để được chấp thuận kháng cáo quá hạn, người kháng cáo phải trình bày ý kiến của mình và cung cấp đầy đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh lý do chính đáng về việc kháng cáo quá hạn. Ví dụ như: Do bệnh tật, do trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng, … mà không thể kháng cáo đúng thời hạn quy định.

Trân trọng

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn