Nguyễn Thị Thùy Dương

Khai báo gian dối, không đúng sự thật thì bị xử lý thế nào?

Lời khai, lời trình bày của những người tham gia tố tụng là nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan điều tra xác minh và làm rõ hành vi phạm tội. Vì vậy, khai báo trung thực, đúng sự thật là nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng khi được người có thẩm quyền lấy lời khai.

1. Khai báo gian dối, không đúng sự thật là gì?

Khai báo được hiểu là việc khai với người có thẩm quyền những việc có liên quan đến mình hay những việc mình biết. 

Theo đó, khai báo gian dối, không đúng sự thật là hành vi cố tình khai với cơ quan, người có thẩm quyền những thông tin không chính xác, không đầy đủ hay thậm chí là những thông tin bịa đặt, không có thật. 

Khai báo gian dối, không đúng sự thật là hành vi vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc xác định sự thật trong hoạt động tố tụng hình sự. Chính vì vậy, người thực hiện hành vi này phải chịu chế tài của pháp luật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà mình thực hiện. 

2. Xử phạt hành chính đối với hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật

Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, người tham gia tố tụng hình sự có hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật, trừ người bị buộc tội thì bị xử phạt hành chính bằng hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), người tham gia tố tụng bao gồm: 

- Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;

- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ;

-  Bị can, bị cáo, bị hại; 

- Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án;

- Người làm chứng, người chứng kiến;

- Người giám định; người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.

- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định.

Như vậy, người tham gia tố tụng hình sự có hành vi khai báo gian dối, khai báo không đúng sự thật có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng. 

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật

a) Cấu thành tội phạm 

Hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật là biểu hiện khách quan của Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối được quy định tại Điều 382 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Theo đó, hành vi khai này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối nếu thỏa mãn 03 dấu hiệu còn lại của tội phạm. Bao gồm: 

Khách thể của tội phạm

Hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của những cơ quan tiến hành tố tụng. Đồng thời, xâm phạm đến quyền và lợi ích của những cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc. 

Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của hành vi phải là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa. Họ là người được cơ quan tư pháp triệu tập hoặc được mời, để thực hiện các yêu cầu làm chứng, giám định, định giá, phiên dịch (dịch lời nói), dịch thuật (dịch văn bản) hoặc bào chữa, bảo vệ cho thân chủ trong vụ án, vụ việc. 

Tất cả họ đều có chung nghĩa vụ trung thực để vụ án, vụ việc có thể được giải quyết khách quan.

Trong trường hợp người thực hiện hành vi khai báo không phải là những chủ thể nêu trong thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. 

Mặt chủ quan của tội phạm

Hành vi phải được chủ thể thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Tức là, chủ thể dù biết lời khai của mình là không đúng với sự thật nhưng vẫn khai báo với cơ quan, người có thẩm quyền. 

Như vậy, hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối nếu thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý của tội phạm. 

b) Hình phạt đối với tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

Khi hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật cấu thành tội phạm, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Cụ thể như sau: 

Khung hình phạt cơ bản: Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội mà không có các tình tiết định khung trách nhiệm hình sự. 

Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất: Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. 

Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội mà có một trong những tình tiết định khung trách nhiệm hình sự như sau: 

- Có tổ chức;

- Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

Khung hình phạt tăng nặng thứ hai: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm. 

Đây là khung hình phạt cao nhất đối với Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối, khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi phạm tội có một trong những tình tiết định khung trách nhiệm hình sự như sau: 

- Phạm tội 02 lần trở lên;

- Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội

Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, hành vi khai báo gian dối, không đúng sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng cũng như chủ thể thực hiện hành vi. 

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn