Ăn chặn tiền từ thiện, lừa đảo tiền từ thiện có phạm tội?
Mục lục bài viết
1. Hoạt động từ thiện là gì?
- Xuyên suốt cùng lịch sử của đất nước, truyền thống “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”,… của nhân dân Việt Nam luôn được kế thừa và phát huy, thể hiện qua những hành động rất thiết thực, thắm tình đồng bào tiêu biểu như cứu trợ bà con vùng lũ lụt, thiên tai hay những người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid – 19.
- “Từ thiện” được hiểu là hành động xuất phát từ sự tự nguyện, không vì vụ lợi cá nhân để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu may mắn trong cuộc sống. Để lan tỏa điều tốt đẹp này, nhiều cá nhân, tổ chức thiện nguyện như có sức lan tỏa thông điệp đến mọi người như một số Ca sĩ, Diễn viên, MC,… đã đứng ra kêu gọi, nhận tiền hỗ trợ, quyên góp để thực hiện các hoạt động từ thiện.
2. Hành vi ăn chặn, lừa đảo tiền từ thiện có vi phạm?
- Việc kêu gọi và chấp nhận quyên góp từ thiện bản chất là thực hiện giao dịch dân sự, theo đó, khi nhận được tiền quyên góp từ thiện, người kêu gọi quyên góp có nghĩa vụ thực hiện theo đúng mục đích đã kêu gọi trước đó. Mọi hành vi “ăn chặn”, “biển thủ”,… để chiếm đoạt số tiền kêu gọi từ thiện đều là hành vi đáng lên án và cần xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp có đầy đủ chứng cứ và các dấu hiệu của tội phạm cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, xử phạt vi phạm hành chính
- Nếu số tiền người kêu gọi từ thiện chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng và trước đó được coi là chưa từng vi phạm về các hành vi chiếm đoạt tài sản thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi “Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Thứ hai, truy cứu trách nhiệm hình sự
- Trường hợp người kêu gọi từ thiện có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, nghĩa là trong quá trình kêu gọi từ thiện cố tình đưa ra thông tin có sự việc ủng hộ từ thiện nhưng thực tế không có bất kỳ hoạt động từ thiện nào, làm cho mọi người tin tưởng và chuyển tiền ủng hộ nhằm mục tích chiếm đoạt số tiền từ thiện. Nếu số tiền chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý về hành vi chiếm đoạt tài sản tài sản mà còn vi phạm hoặc chưa được xóa án tích) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
…”
- Trường hợp mục đích ban đầu của việc kêu gọi ủng hộ để từ thiện nhưng sau khi nhận được tiền ủng hộ sử dụng không đúng mục đích đã kêu gọi ví dụ như: sử dụng vào mục đích cá nhân (mua nhà, xe,…); kê khai khống số tiền thực tế từ thiện để phù hợp với số tiền đã nhận ủng hộ;… nhằm mục đích chiếm đoạt tiền từ thiện từ 4.000.000 đồng trở lên (hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý về hành vi chiếm đoạt tài sản tài sản hoặc đã bị kết án về Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự như sau:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
…”
- Để xác định cụ thể người “biển thủ” tiền kêu gọi từ thiện có phạm tội không và phạm tội nào cần có đầy đủ thông tin về mục đích kêu gọi, quá trình kêu gọi, số tiền kêu gọi được và quá trình sử dụng số tiền đó,… Trước nhiều thông tin trái chiều, đặc biệt là những nhận định chủ quan, mang tính định hướng dư luận trên không gian mạng mà chưa có sự vào cuộc điều tra, xác minh của Cơ quan Công an, mọi người cần tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, đồng thời không nên có những hành vi xử sự trái quy định của pháp luật và chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với người đứng ra kêu gọi từ thiện, phải chăng cũng nên minh bạch trong việc từ thiện bằng cách sao kê số tiền nhận ủng hộ kèm theo việc sử dụng số tiền đó như thế nào, giúp đỡ những ai,… Đó không chỉ là hành động thể hiện sự tôn trọng những người đã chuyển tiền để thay họ giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà còn là sự tôn trọng chính bản thân của người kêu gọi từ thiện khi đã làm được việc tốt và lan tỏa được truyền thống tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc đến mọi người!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất