LS Nguyễn Phương Lan

Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối theo quy định tại BLDS 2015

Hợp đồng là giao dịch thể hiện ý chí của hai hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Vậy pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng? Các trường hợp nào đồng dân sự bị vô hiệu? Giải quyết như thế nào khi hợp đồng dân sự bị vô hiệu? Công ty Luật TNHH Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư  vấn về pháp luật dân sự

Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận của các bên nhưng phải đáp ứng các điều kiện và không được vi phạm các điều cấm pháp luật. Việc các bên có thỏa thuận các điều khoản trái quy định pháp luật hoặc không đáp ứng được các điều kiện hợp đồng có thể làm hợp đồng dân sư bị vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ. Hệ quả khi hợp đồng dân sự vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả. Như vậy, việc hợp đồng dân sự vô hiệu gây ảnh hưởng lớn đến quyền và nghĩa vụ của các bên.

Chúng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu các quy định pháp luật về vấn đề này để bảo vệ quyền lợi của bạn. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về hợp đồng dân sự, bạn có thể liên hệ với chúng tôi thông qua hình thức gửi Email tư vấn hoặc liên hệ qua tổng đài 1900.6169 để được hỗ trợ tư vấn.

2. Tư vấn về các trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu

Nội dung tư vấn: Chào luật sư! Năm 2011 bố tôi có đồng ý thế chấp mảnh đất cho chú tôi( em ruột bố tôi) làm tài sản đảm bảo cho chú vay ngân hàng. Theo tôi được biết thì tất cả thành viên trong gia đình đều phải ký vào giấy uỷ quyền mảnh đất đó cho bố tôi đứng ra thế chấp. Gia đình tôi có 6 người: bố mẹ và 4 anh em tôi. Nhưng khi đó tôi và 2 anh trai đều đi học đại học xa nhà nên em út tôi ( 16t chưa có cmnd) đã ký thay ( ký thay ở đây là ký hộ tức ký giả chữ ký của 3 anh em tôi ). Và cán bộ ngân hàng cũng biết điều đó và chấp nhận hồ sơ giải ngân cho chú tôi. Sau này làm ăn thua lỗ, chú tôi không trả được nợ nên ngân hàng kiện ra toà đòi phát mãi mảnh đất bố tôi đã thế chấp. Vậy Luật Sư cho tôi hỏi nếu tôi và 2 anh trai ko thực sự ký vào giấy uỷ quyền để bố tôi được quyền đứng ra thế chấp thì hợp đồng thế chấp có bị vô hiệu hoá? Nếu có vô hiệu hoá thì toàn phần hay từng phần? Và nhà tôi có được lấy lại sổ đỏ của mảnh đất đó không? Còn em tôi đã ký giả như vậy có chịu trách nhiệm hình sự không? Thêm một chi tiết là em tôi khi đó chưa có cmnd nên cán bộ tín dụng đã làm giấy xác nhận thay cho chứng minh nhân dân để bổ sung vào hồ sơ và cũng tự ý ký giả chữ ký của em tôi trong giấy xác nhận đó. Liệu như vậy có giúp thêm được gì cho vụ kiện nhà tôi không? Rất mong nhận câu giải đáp từ phía Luật Sư! Trân trọng cảm ơn! Chúc Luật Sư nhiều sức khoẻ!

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn cho công ty Luật Minh Gia chúng tôi, công ty xin được tư vấn về trường hợp này như sau:

Với vấn đề của gia đình bạn thì cần xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình bạn thuộc quyền sở hữu của ai; nếu chỉ ghi nhận tên của ba bạn thì việc thế chấp chỉ cần có xác nhận của ba bạn mà không cần có xác nhận của cả gia đình và nếu trong trường hợp trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi nhận hộ gia đình thì lúc đó mới cần sự xác nhận của cả gia đình bạn.

Bên cạnh đó, cần xác định về thời điểm kí giấy ủy quyền bạn và anh trai có biết về giao dịch này không; nếu như bạn và anh trai đều biết về giao dịch này mà không có ý kiến gì vẫn để cho em trai ký thì vẫn xác định về ý chí của bạn và anh trai là đồng ý cho thế chấp quyền sử dụng đất. Còn nếu không có sự đồng ý của bạn và anh trai mà người em bạn tự ý giả chữ ký thì em bạn đã có những hành vi gian dối để lừa dối bên ngân hàng và em trai bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi gian dối của mình; tức nếu như hoạt động này sau đó gây thiệt hại cho phía ngân hàng thì em bạn sẽ phải bồi thường cho ngân hàng những khoản thiệt hại tương ứng. 

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì:

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Theo đó, đây là giao dịch dân sự do bị lừa dối sẽ bị vô hiệu; tuy nhiên, vô hiệu từng phần hay toàn bộ còn phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng thế chấp và vì bạn chưa cung cấp hợp đồng thế chấp nên chưa thể đánh giá được sẽ vô hiệu như thế nào vì còn phụ thuộc vào các điều khoản giao kết trong hợp đồng. Theo đó, hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và nếu có lỗi thì bên có lỗi sẽ phải bồi thường theo quy định như sau:

Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo