Hợp đồng kinh tế là gì? Tranh chấp HĐKT giải quyết thế nào?
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng kinh tế là gì?
Trước đây, nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 để quy định cụ thể những vấn đề liên quan đến hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, kể từ thời điểm Bộ luật dân sự 2005 có hiệu lực thi hành thì Pháp lệnh này đã hết hiệu lực, sau này những văn bản pháp luật thay thế tiếp tục kế thừa tinh thần của Bộ luật dân sự 2005 và chỉ quy định về hợp đồng nói chung. Dù vậy, về mặt khái niệm, chúng ta vẫn có thể dựa trên Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 để hiểu chung về loại hợp đồng này như sau: “Hợp đồng kinh tế là sự thỏa thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.”
Thực chất, khái niệm trên chỉ mang tính chất tham khảo. Ở thời điểm hiện tại, do không còn quy định cụ thể nên việc soạn thảo, thực hiện và giải quyết hợp đồng kinh tế được thực hiện theo Bộ luật dân sự 2015, Luật thương mại 2005 và các luật chuyên ngành có liên quan (như: Luật xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung 2020; Luật đầu tư 2020; Luật kinh doanh bất động sản 2014;...).
Tuy nhiên, do yêu cầu chung của quy định pháp luật cũng như đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng, giải quyết các tranh chấp xảy ra (nếu có) nên các loại hợp đồng trong lĩnh vực kinh tế hiện nay khi soạn thảo sẽ được đặt tên theo mục đích, nội dung thỏa thuận, ví dụ như: Hợp đồng mua bán hàng hóa; Hợp đồng dịch vụ; Hợp đồng dịch vụ khuyến mại; Hợp đồng đại lý; Hợp đồng vay tài sản; Hợp đồng thuê tài sản;...
2. Đặc điểm của hợp đồng kinh tế
Để nhận biết được một hợp đồng có phải hợp đồng kinh tế hay không phải dựa trên những đặc điểm của nó. Cụ thể, những đặc điểm chung của hợp đồng kinh tế có thể kể đến như sau:
Về mục đích:
Mục đích của hợp đồng kinh tế phải gắn liền với hoạt động kinh doanh. Nói cách khác, hợp đồng sẽ gắn với các hoạt động mua bán, sản xuất, hoặc việc trao đổi hàng hóa giữa các chủ thể kinh doanh và trong hoạt động đó thì một bên ký hợp đồng phải có mục đích kinh doanh để sinh lợi nhuận.
Về nội dung:
Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 quy định chủ thể của hợp đồng phải có một bên là pháp nhân, bên còn lại có thể là pháp nhân hoặc cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đối với quy định pháp luật hiện hành, tùy thuộc vào mục đích và nội dung trong hợp đồng mà các bên có thể là cá nhân, tổ chức được tự do ký kết trong khuôn khổ pháp luật.
Nội dung trong hợp đồng được các bên thỏa thuận và không có quy định bắt buộc. Theo điều 398 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
“Điều 398. Nội dung của hợp đồng
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng của hợp đồng;
b) Số lượng, chất lượng;
c) Giá, phương thức thanh toán;
d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;
e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
g) Phương thức giải quyết tranh chấp.”
Về hình thức:
Trước đây, điều 11 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 quy định: “Hợp đồng kinh tế được ký kết bằng văn bản, tài liệu giao dịch: công văn, điện báo, đơn chào hàng, đơn đặt hàng.”
Cho đến nay, nhờ sự phát triển của khoa học - công nghệ, kỹ thuật, hình thức của hợp đồng đã có sự cải tiến rõ rệt và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tham gia ký kết. Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng là một trong những giao dịch dân sự, trong đó điều 119 quy định: “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.”
Bên cạnh đó, một số loại hợp đồng đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại bắt buộc phải lập thành văn bản hoặc các hình thức có giá trị tương đương văn bản theo quy định pháp luật. Theo khoản 15 điều 3 Luật thương mại 2005: “Các hình thức có giá trị tương đương văn bản bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, tùy thuộc vào từng loại hợp đồng, các bên có thể lựa chọn hình thức phù hợp để vừa đảm bảo giá trị pháp lý, vừa là căn cứ xác đáng để giải quyết các tranh chấp xảy ra (nếu có) sau này.
3. Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế
Trước hết, tranh chấp trong hợp đồng được hiểu là sự mâu thuẫn hoặc bất đồng ý kiến giữa các chủ thể tham gia trong quan hệ trong hợp đồng đã được giao kết về việc thực hiện (hoặc không thực hiện) các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.
Khác với quy định trước đây tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 khi các tranh chấp phát sinh trong hợp đồng sẽ được giải quyết bằng cách tự thương lượng giữa các bên hoặc đưa ra Trọng tài kinh tế, pháp luật hiện nay đã bổ sung thêm 2 phương thức mới đó là hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải hoặc giải quyết tại Tòa án.
Cụ thể, việc áp dụng những phương thức này có thể có những ưu, nhược điểm như sau:
- Giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng:
Các bên có thể tự đàm phán với nhau về các vấn đề tranh chấp mà không cần thông qua bên thứ ba để đưa ra phương án giải quyết. Phương thức này có ưu điểm là đơn giản, nhanh chóng và ít tốn kém nhất so với các phương thức khác. Tuy vậy, đôi khi phương thức này lại không đem lại hiệu quả bởi vì phần lớn còn phải phụ thuộc vào sự thiện chí của hai bên tham gia.
- Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải:
Việc hòa giải có nhiều hình thức khác nhau: hòa giải qua trung gian, hòa giải ngoài thủ tục tố tụng và hòa giải trong thủ tục tố tụng. Ở đây chúng tôi muốn nói đến vấn đề hòa giải qua trung gian hay nói cách khác, đó là sự hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên chọn làm trung gian hòa giải.
Ưu điểm của phương thức này là nếu hòa giải thành thì quan hệ hợp tác sẽ được duy trì và các bên thường sẽ nghiêm túc thực hiện theo những gì đã cam kết bởi nó đến từ sự tự nguyện khi hòa giải và có sự giám sát của bên thứ ba. Tuy nhiên, việc áp dụng phương thức này cũng phải dựa trên tính thiện chí của các chủ thể, nhiều trường hợp những cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí có thể lợi dụng thủ tục hòa giải để trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình và có thể đưa đến hậu quả là bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài vì hết thời hiệu khởi kiện.
- Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài kinh tế:
Trong quan hệ hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận đưa những tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ ra giải quyết tại Trọng tài và Trọng tài sau khi xem xét sự việc tranh chấp, sẽ đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Về mặt tích cực, thủ tục giải quyết thông qua Trọng tài thường đơn giản, nhanh chóng. Do các bên có quyền chỉ định trọng tài nên có thể lựa chọn được trọng tài viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp. Đồng thời, nguyên tắc trọng tài không công khai giúp các bên hạn chế sự tiết lộ các bí quyết kinh doanh, giữ được uy tín của trên thương trường.
Về mặt hạn chế, mặc dù phán quyết của Trọng tài có mang tính cưỡng chế thi hành nhưng khả năng áp dụng thường không cao do Trọng tài không đại diện cho quyền lực nhà nước. Khi đó, việc thực hiện các quyết định trọng tài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự nguyện của các bên.
- Giải quyết tranh chấp tại Tòa án:
Thông thường, bên có quyền lợi và nghĩa vụ bị vi phạm sẽ khởi kiện ra Tòa án và Tòa án sẽ tiếp nhận, thụ lý và giải quyết. Đây là cơ quan có quyền lực cao nhất trong việc đưa ra các phán quyết và có tính áp dụng cao bởi Tòa án nhân danh nhà nước, thực hiện giải quyết các vấn đề tranh chấp, vi phạm pháp luật trong xã hội. Đối với những hợp đồng kinh tế, tranh chấp pháp sinh sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế.
Khi xử lý tranh chấp tại Tòa án, các quyết định của Tòa có tính cưỡng chế chi hành và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực của Nhà nước. Với nguyên tắc có 2 cấp xét xử, những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp sẽ được hạn chế tối thiểu hoặc có khả năng được phát hiện, khắc phục. Ngoài ra, án phí giải quyết tại Tòa thường thấp hơn lệ phí trọng tài.
Mặt khác, các chủ thể giải quyết tranh chấp tại Tòa sẽ phải đối mặt với thủ tục giải quyết kéo dài, đôi khi là rườm rà, chậm trễ gây bất tiện cho người tham gia. Hơn nữa, khả năng tác động của các bên trong quá trình tố tụng rất hạn chế có thể gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất