Luật gia Nguyễn Nhung

Hỏi về thời hạn các giấy tờ nhận con nuôi và hồ sơ xin nhận

Vợ chồng quyết định đồng ý xin con nuôi nhưng hộ khẩu của vợ chồng chưa nhập về chung khẩu vấn đề này ảnh hưởng tới quá trình xin con nuôi không? Các văn bản pháp luật liên quan quy định như thế nào?

Nội dung đề nghị tư vấn: Chào luật sư, xin hỏi luật sư 2 vợ chồng em quyết định đồng ý xin con nuôi. Vậy bây giờ trong lúc tìm con để nhận em có thể xin giấy tờ trước hay không.  Giấy tờ em làm có hạn trong mấy tháng nếu chưa tìm được con nuôi và những thủ tục cần có như phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình em có phải xin của cả 2 vợ chồng không vì bọn em kết hôn 5 năm nhưng vợ em vẫn chưa cắt khẩu về xã em vì quê vợ em ở xã bên cạnh. Mong luật sư tư vấn giúp những thủ tục nào em cần phải đến ủy ban xã nơi vợ em có hộ khẩu để xin. Em xin chân thành cảm ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, trong lúc tìm con để nhận bạn có thể xin giấy tờ liên quan, thời hạn sử dụng của các giấy tờ này được quy định tại Điều 5 Luật nuôi con nuôi năm 2010 cụ thể như sau:

Điều 5. Thời hạn có giá trị sử dụng của giấy tờ

1. Phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong nước theo quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi và giấy tờ quy định tại điểm b, điểm đ khoản 1 Điều 21 của Nghị định này có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Phiếu lý lịch tư pháp, văn bản xác nhận tình trạng sức khỏe, bản điều tra về tâm lý, gia đình, văn bản xác nhận thu nhập và tài sản của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài theo quy định tại Điều 31 của Luật Nuôi con nuôi có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

3. Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài theo quy định tại điểm e và của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 31 của Nghị định này có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi.

Thứ hai, đối với hồ sơ để nhận con nuôi được Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định tại Điều 17 và được hướng dẫn tại Điều 7 Nghị định số 19/2011/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi cụ thể như sau:

Điều 17. Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

Điều 7.  Hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ quy định tại Điều 17 của Luật Nuôi con nuôi. Trường hợp người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi không thuộc diện quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi và không cùng thường trú tại một địa bàn xã, thì việc xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi được thực hiện như sau:

1. Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.

2. Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú, thì công chức tư pháp - hộ tịch xác minh hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.

Từ quy định trên, anh chị có thể hiểu trong hồ sơ của người nhận con nuôi anh chị chỉ cần đáp ứng đầy đủ những giấy tờ trên mà không nhất thiết vợ chồng anh chị phải nhập chung hộ khẩu. Việc hộ khẩu của vợ và chồng riêng không ảnh hưởng gì tới việc xin nhận con nuôi. Việc nhập chung hộ khẩu chỉ có ý nghĩa sau khi anh, chị tiến hành thủ tục nhận con nuôi xong và sau đó muốn nhập hộ khẩu của đứa trẻ vào hộ khẩu của vợ hay của chồng hay nhập chung hộ khẩu của cả 3 người.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn hôn nhân gia đình trực tuyến để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169