Luật gia Nguyễn Nhung

Hỏi về tài sản riêng của vợ chồng và thủ tục mua bán nhà

Câu hỏi: Chào luật sư, cho tôi hỏi: Tôi kết hôn tháng 2/2013, trước khi kết hôn tôi có một sổ tiết kiệm là số tiền mà tôi dành dụm qua nhiều năm lao động. Bây giờ tôi có con trai 1.5 tuổi. Vậy tài sản này có được gọi là tài sản riêng hay không? Tôi có dự định sẽ mua một căn nhà thì tôi có được đứng tên một mình tôi không? nếu tôi muốn đứng tên con trai tôi thì có được không và thủ tục như thế nào ạ? Rất mong luật sư tư vấn.

Trả lời: Vấn đề của bạn Công ty Luật minh gia xin tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất, căn cứ theo Điều 32 Luật HN&GĐ năm 2014 về tài sản riêng của vợ, chồng quy định:   

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Trong trường hợp của chị, trước thời kì hôn nhân chị có được số tài sản đó, theo quy định của pháp luật sau khi kết hôn tài sản đó là tài sản riêng của chị nếu như vợ, chồng anh chị không có thỏa thuận khác về việc nhập một phần hoặc toàn bộ tài sản riêng vào tài sản chung của vợ, chồng sau khi kết hôn.

Thứ hai, khi mua căn nhà chị có thể đứng tên một mình trên các giấy tờ của căn nhà. Chỉ khi nào quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì pháp luật mới yêu cầu ghi tên cả 2 vợ chồng trong các giấy tờ về quyền sở hữu đất đai.

Thứ ba, hợp đồng mua bán nhà theo quy định do các bên thỏa thuận và lập thành văn bản gồm các nội dung sau:

1. Tên và địa chỉ của các bên;

2. Mô tả đặc điểm của nhà ở;

3. Giá và  phương thức thanh toán nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về giá;

4.Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành (nếu có); thời hạn cho thuê; cho mượn, cho ở nhờ; uỷ quyền quản lý;

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên;

6. Cam kết của các bên;

7. Các thỏa thuận khác;

8. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng hoặc ký văn bản;

9. Chữ ký của các bên (nếu là tổ chức thì phải đóng dấu và ghi rõ chức vụ của người ký).

Căn cứ theo Luật nhà ở, ngoài hợp đồng mua bán nhà ở phải có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp huyện đối với nhà ở tại đô thị, chứng thực của UBND xã đối với nhà ở tại nông thôn.

 Giấy tờ pháp lý cần có bao gồm:

- Giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;

Trường hợp bán một phần nhà, đất thì cần có thêm hồ sơ kỹ thuật thửa đất và hồ sơ hiện trạng ngôi nhà có thẩm tra của cơ quan quản lý nhà ở nếu tại đô thị, hoặc có xác nhận của UBND cấp xã nếu tại nông thôn.

- Bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu của bên bán, bên mua.

Trường hợp bên bán là vợ chồng thì cần chuẩn bị thêm giấy đăng ký kết hôn. Nếu chỉ có một người đứng ra giao dịch thì cần chuẩn bị thêm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (độc thân) hoặc giấy tờ chứng minh nhà, đất mua bán là tài sản riêng.

- Văn bản ủy quyền (nếu có).

Khi nộp hồ sơ tại công chứng sẽ cần có thêm phiếu yêu cầu công chứng và tờ khai do phòng công chứng cấp.

Trình tự mua bán được tiến hành qua các bước sau:

- Bước 1: Các bên mua bán nộp hợp đồng mua bán nhà và các giấy tờ pháp lý tại phòng công chứng (không phân biệt địa bàn) để công chứng hợp đồng nếu lựa chọn công chứng, hoặc tại UBND cấp huyện (nếu nhà ở tại đô thị) hoặc UBND xã (nếu nhà ở tại nông thôn) để chứng thực hợp đồng.

Đối với giấy tờ bản sao cần đem theo bản chính để đối chiếu.

- Bước 2: Sau khi công chứng hoặc chứng thực, hồ sơ mua bán sẽ được nộp tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

- Bước 3: Căn cứ vào hồ sơ, cơ quan nhận hồ sơ sẽ liên hệ với các cơ quan hữu quan để kiểm tra, xác định vị trí thửa đất và gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có).

- Bước 4: Sau khi có thông báo của cơ quan thuế, cơ quan nhận hồ sơ sẽ gửi thông báo nộp thuế để chủ nhà đi nộp nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

- Bước 5: Sau khi đã nộp thuế, chủ nhà nộp biên lai thu thuế, lệ phí trước bạ cho cơ quan đã nhận hồ sơ để nhận giấy chứng nhận đối với quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Những thủ tục trên đây chỉ mang tính chất hướng dẫn chung. Tùy từng địa phương, cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quy định cụ thể hơn cho phù hợp với tình hình quản lý tại địa phương.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về tài sản riêng của vợ chồng và thủ tục mua bán nhà. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169