Hoài Nam

Hỏi về hình thức xử phạt đối với hành vi làm nhục người khác.

Nhờ luật sư tư vấn giúp: Một người vừa là Đảng viên vừa là Đại biểu Hội Đồng Nhân Dân cấp xã mà có ý nhục mạ gia đình chính sách, có nhân chứng chứng kiến rõ ràng thì hình thức kỉ luật như thế nào?

Chào bạn !

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn Luật Minh Gia. Đối với trường hợp của bạn, tôi tư vấn như sau :

- Xử lý kỉ luật:

Theo điểm d khoản 1 điều 32 quy định số 181- QĐ/TW quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có quy định như sau :

1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách :

d) Chửi bới, gây gổ, đánh nhau hoặc có hành vi thiếu văn hoá làm mất an ninh, trật tự.

Như vậy, theo quy định này thì một người là Đảng viên mà có ý nhục mạ người khác gây hậu quả ít nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

- Xử phạt hành chính:

Căn cứ Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chồng tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình thì hành vi của người này sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;"

Bạn có thể trình bày với Ủy ban nhân dân cấp xã, Cơ quan Công an  để xử phạt hành chính đối với người này.

- Xử lý hình sự.

Cụ thể, về dấu hiệu pháp lý:

- Mặt khách quan: thể hiện qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác dưới hình thức bằng lời nói hoặc bằng hành động .  Thông thường lời nói được sử dụng là lời nói có tính chất miệt thị, sỉ nhục người khác, hành động được sử dụng có tính chất bỉ ổi, sỉ nhục người khác.

- Khách thể là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền được tôn trọng và bảo vệ về nhân phẩm, danh dự của con người.

- Chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp

- Chủ thể: là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.

Như vậy, nếu hành vi của người này mà bảo gồm đầy đủ 4 yếu tố nêu trên thì người này sẽ bị xử lý về hình sự.

Căn cứ Điều 121 Bộ luật hình sự quy định về tội làm nhục người khác thì:

"1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều người;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
"

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi về hình thức xử phạt đối với hành vi làm nhục người khác.. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng !
CV Lê Yến-Công Ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo