LS Trần Liên

Hỏi về cấp dưỡng giữa người chồng đối với con riêng của vợ

Anh trai thì khẳng định nó không phải con mình mặc dù hai người đã làm đám cưới và đăng kí kết hôn. Hai người cứ vậy đến khi chị dâu em sinh. Giờ đây anh ấy muốn li dị. Liệu với đứa bé không cùng huyết thống thì anh trai em có cần phải chịu chi phí cấp dưỡng đến năm 18 tuổi không ạ?

Nội dung câu hỏi: Em có người anh trai đã có vợ nhưng vì người nhà quê và nhà em cũng nghèo khó không hiểu luật pháp.  Bị gia đình vợ ép cưới do vợ anh ấy có bầu.  Anh trai thì khẳng định nó không phải con mình mặc dù hai người đã làm đám cưới và  đăng kí kết hôn. Hai người cứ vậy đến khi chị dâu em sinh.  Giờ đây anh ấy muốn li dị. Gia đình vợ anh ấy đòi chi phí cấp dưỡng cho cháu bé. Liệu với đứa bé không cùng huyết thống thì anh trai em có cần phải chịu chi phí cấp dưỡng đến năm 18 tuổi không ạ? 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi  như sau:

Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Xác định cha, mẹ

“1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp.

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Như vậy, con sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung của vợ chồng. Trường hợp người cha không thừa nhận là con mình thì có thể yêu cầu tòa xác định lại  quan hệ cha, con. Khi gửi hồ sơ yêu cầu TAND xác định lại quan hệ cha, con thì người anh trai phải đưa ra những căn cứ chứng minh đứa con không có quan hệ huyết thống với mình. Căn cứ để chứng minh vấn đề này là kết quả giám định AND của người và con. Nếu kết quả giám định xác định người anh trai và người con không có quan hệ huyết thống thì TAND sẽ căn cứ vào đó để ra quyết định không công nhận quan hệ cha, con giữa hai người này.

Thủ tục, hồ sơ xác định cha mẹ con:

- Đơn yêu cầu xác định lại cha cho con;

- Giấy tờ tùy thân của người có yêu cầu( CMTND, sổ hộ khẩu- bản sao chứng thực);

- Giấy khai sinh của đứa con( bản sao chứng thực);

- Giấy tờ chứng minh hai người không có quan hệ huyết thống.

Hồ sơ gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người anh trai và con đang cứ trú để yêu cầu giải quyết.

Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con

“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”

Khi có quyết định của TAND về việc không công nhận quan hệ cha, con thì người cha không phải là cha của đứa trẻ và không có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con riêng của người vợ.

Như vậy, đứa trẻ được sinh ra trong thời kì hôn nhân và được xác định là con chung của vợ chồng nên khi ly hôn người mẹ nuôi con thì người cha phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên trong trường hợp này, nếu người anh trai không phải là cha ruột của đứa trẻ và không muốn thực hiện cấp dưỡng cho đứa bé thì phải làm thủ tục yêu cầu TAND tuyên không công nhận quan hệ cha, con giữa anh trai và đứa bé đó và kèm theo các căn cứ chứng minh.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo