Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hỏi về biện pháp tư pháp với dười dưới 18 tuổi phạm tội?

Nội dung yêu cầu tư vấn: Xin trung tâm cho tôi hỏi về vấn đề đối với người dưới 18 tuổi phạm tội - phần hình phạt và biện pháp tư pháp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội quy định về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (điều kiện áp dụng, khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giáo dục tại xã phường thị trấn) như thế nào? Trân trọng cảm ơn!

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về các vấn đề này như sau:

 

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

 

“1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

 

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

 

Các quy định của Bộ luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi được quy định cụ thể tại Chương XII của Bộ luật hình sự.

 

Thứ nhất, về nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

 

Điều 91. Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

 

“1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

 

Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.

 

2. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

 

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

 

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

 

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.”

 

Như vậy, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội cần phải tuân theo quyên tắc trên. Để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật và tạo điều kiện để người chưa thành niên phạm tội ăn năn, hỗi lỗi, khắc phục sai lầm của mình.

 

Thứ hai, về các hình phạt áp dụng với người chưa thành niên phạm tội

 

Điều 98. Các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội

 

“Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:

 

1. Cảnh cáo.

 

2. Phạt tiền.

 

3. Cải tạo không giam giữ.

 

4. Tù có thời hạn.”

 

Điều 99. Phạt tiền

 

“Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.

 

Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai mức tiền phạt mà điều luật quy định.”

 

Điều 100. Cải tạo không giam giữ

 

“1. Hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.

 

2. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, thì không khấu trừ thu nhập của người đó.

 

Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá một phần hai thời hạn mà điều luật quy định.”

 

Điều 101. Tù có thời hạn

 

“Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

 

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

 

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”

 

Thứ ba, về việc áp dụng các biện pháp tư pháp với người chưa thành niên phạm tội

 

Điều 93. Khiển trách

 

“1. Khiển trách được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây nhằm giúp họ nhận thức rõ hành vi phạm tội, hậu quả gây ra đối với cộng đồng, xã hội và nghĩa vụ của họ:

 

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

 

b) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

 

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khiển trách. Việc khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải có sự chứng kiến của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 18 tuổi.

 

3. Người bị khiển trách phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

 

a) Tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế của nơi cư trú, học tập, làm việc;

 

b) Trình diện trước cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu;

 

c) Tham gia các chương trình học tập, dạy nghề do địa phương tổ chức, tham gia lao động với hình thức phù hợp.

 

4. Tùy từng trường hợp cụ thể cơ quan có thẩm quyền ấn định thời gian thực hiện các nghĩa vụ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này từ 03 tháng đến 01 năm.”

Điều 94. Hòa giải tại cộng đồng

 

“1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

 

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

 

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

 

3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

 

a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại;

 

b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.”

 

Điều 95. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn

 

“1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 01 năm đến 02 năm đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này;

 

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của Bộ luật này.

 

2. Người được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giám sát, giáo dục phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

 

a) Chấp hành đầy đủ nghĩa vụ về học tập, lao động;

 

b) Chịu sự giám sát, giáo dục của gia đình, xã, phường, thị trấn;

 

c) Không đi khỏi nơi cư trú khi không được phép;

 

d) Các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 93 của Bộ luật này.

 

3. Nếu người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn đã chấp hành một phần hai thời hạn và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục, cơ quan đã áp dụng biện pháp này có thể quyết định chấm dứt thời hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”

 

Ngoài ra, để tìm hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật về việc áp dụng các biện pháp giáo dục tài xã, phường; đưa vào trường giáo dưỡng khi người chưa thành niên phạm tội thì bạn có thể tham khảo thêm quy định của Nghị định số 10/2012/NĐ-CP quy định về thi hành biện pháp tư pháp giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội.

 

Trân trọng!
Luật Gia Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo