Hỏi tư vấn về trường hợp có con với người yêu cũ xử lý thế nào
Xin hỏi:
1.Chồng tôi, tôi và bé hiện vẫn đang sống chung với nhau, nếu sau này người bạn trai của tôi nghĩ lại và muốn đòi nuôi con thì anh ta có được quyền nuôi con hay không? (bạn trai tôi và bé chưa xét nghiệm ADN). Lưu ý : bạn trai tôi đã trải qua 1 đời vợ, họ đã ly hôn và có 1 đứa con trai. Hiện nay bạn trai tôi lại tiếp tục đính hôn với 1 người con gái khác. Còn tôi hiện nay ở nhà chăm sóc bé, chưa có đi làm, cuộc sống của mẹ con tôi đều do chồng tôi chu cấp.
2. Tôi muốn nuôi con và muốn anh ta chu cấp tiền cho con thì tôi phải làm như thế nào?
3.Tôi có thể cho con xuất ngoại đi nước ngoài mà không cần sự đồng ý của bạn trai tôi không? Vì chồng tôi là người mang quốc tịch nước ngoài tạm trú tại Việt Nam nhưng thường xuyên về nước thăm gia đình.
4. Nếu sau này chồng tôi không còn ở Việt Nam nữa thì tôi phải theo chồng xuất ngoại đi nước ngoài, vậy tôi có được đem bé đi theo mà không cần sự đồng ý của người bạn trai của tôi không?
5. Để người bạn trai của tôi không quấy nhiễu cuộc sống của chúng tôi, tôi có thể hạn chế quyền thăm con của anh ta không?
Mong Quý Công ty tư vấn giúp tôi và hồi âm sớm. Chân thành cám ơn
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Với trường hợp của bạn, khi người chồng bạn biết đứa con đó không phải con của anh ấy, có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình bạn, nên bạn nên cân nhắc kỹ khi quyết định sự việc.
Thứ nhất, Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định như sau:
Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.
Với điều này, nếu giữa vợ chồng chị có thỏa thuận về việc nhận bé đó là con chung thì bé là con chung của vợ chồng anh chị. Tuy nhiên, anh bạn trai của chị có quyền nhận con theo quy định tại “ Điều 91. Quyền nhận con
1. Cha, mẹ có quyền nhận con, kể cả trong trường hợp con đã chết.
2. Trong trường hợp người đang có vợ, chồng mà nhận con thì việc nhận con không cần phải có sự đồng ý của người kia.”
Tuy nhiên, yêu cầu nuôi con của anh ta chỉ được đáp ứng sau thời điểm con của bạn 36 tháng tuổi và đáp ứng đủ điều kiện về tài chính để nuôi con, đảm bảo cho con có điều kiện sống tốt trong khi bạn vẫn sống phụ thuộc vào chồng.
Thứ hai, nếu bạn muốn nuôi con, và muốn anh ta chu cấp tiền thì trong điều kiện con của bạn dưới 36 tháng tuổi, bạn đương nhiên có quyền nuôi con và Sau khi con của bạn đủ 36 tháng tuổi, mà bạn phải chứng minh được người con đó là con của anh ta và bạn, thông qua kết quả giám định ANN , trong trường hợp cần thiết, phải thông qua giấy đăng ký nhận cha mẹ để xác lập nghĩa vụ của cha đối với con. Cụ thể:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Thứ ba, trong trường hợp bạn muốn cho con xuất ngoại vẫn có thể được. Nếu con của bạn chưa đủ 36 tháng tuổi, bạn đảm bảo được sự đồng ý của người chồng hiện tại. Nếu sau khi con bạn đủ 36 tháng tuổi, nếu bạn giành được quyền nuôi con, đảm bảo cuộc sống tốt cho con và được người chồng đồng ý, trong khi điều kiện hôn nhân, gia đình của anh bạn trai kia khó có thể đảm bảo cuộc sống tốt cho con bạn thì bạn có quyền được cho con xuất ngoại.
Thứ tư, cũng như điều kiện trên, trước thời điểm bé được 36 tháng, bạn có thể đưa bé đi theo bạn mà không cần có sự đồng ý của người bạn trai vì trong thời gian ấy, bạn vẫn đương nhiên được quyền nuôi con. Nếu khi ấy là sau thời điểm 36 tháng tuổi của bé thì cần phải có sự đồng ý của người bạn trai với tư cách là cha ruột của bé.
Thứ năm, Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình quy định “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”, do đó, nếu người bạn trai kia có những hành vi tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến bạn, con và việc chăm sóc, trông nom con, giáo dục con thì bạn có quyền yêu cầu Tòa Án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Hỏi tư vấn về trường hợp có con với người yêu cũ xử lý thế nào. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất