Hoàng Thị Nhàn

Hỏi tư vấn về quyền ly hôn đơn phương và tranh chấp tài sản chung của vợ chồng

Kính gửi luật sư! Nhờ luật sư tư vấn giúp em về quyền ly hôn đơn phương như sau:E kết hôn năm 200x, đến năm 200x thì chồng e đi Đức. E ở nhà nuôi hai con nhỏ. Cháu đầu sinh 200x,và cháu sinh 200x. Một thời gian sau chồng e lấy vợ và có hai đứa con riêng bên đức. Bố mẹ chồng ủng hộ cho chồng e nên có xích mích với e.

Trước đây vợ chồng e có xây nhà kiên cố trên đất bố mẹ chồng. Định tách bìa nhưng xảy ra chuyện nên ông bà không cho tách nữa. Khi e tìm được người đàn ông tốt thì e đưa con đi nơi khác sinh sống. Bây giờ chồng e về nói ly hôn và chia con cái nhưng e không đồng ý. Vậy luật sư cho e hỏi: 1. Chồng e có thể đơn phương ly hôn được ko?. 2. Khi e đồng ý ly hôn thì căn nhà của vợ chồng làm trên đất bố mẹ chồng e có được chia không (theo nguyện vọng thì e muốn để lại cho hai con). Và nếu không ly hôn thì bố mẹ chồng e có quyền sang căn nhà đó ở không? 3. Khi chia con thì e nuôi cháu gái đầu, còn bố nuôi cháu trai, nhung bố nó ly hôn xong sẽ sang Đức và để lại cho ông bà nuôi thì e có quyền đòi lại con hay không? E cần làm những thủ tục giấy tờ gì và gửi đến cơ quan nào để đòi lại nhà chung của vợ chông (mặc dù e sẽ không ở mà đóng cửa lại cho con). Và đòi lại con khi chồng e sẽ lại đi Đức. E rất mong sự giúp đỡ của luật sư. E xin chân thành cảm ơn!

Trả lời: Công ty Luật Minh Gia xin gửi lời cảm ơn tới bạn!  Về câu hỏi của bạn công ty chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất: Chồng e có thể đơn phương ly hôn được ko?

Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định tại Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được

Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định tại điều 8 như sau:

a.1. Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:

+,   Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như: người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+,   Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.

+,    Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình;

 a.2. Để có cơ sở nhận định đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được, thì phải căn cứ vào tình trạng hiện tại của vợ chồng đã đến mức trầm trọng như hướng dẫn tại điểm a.1 mục 8 này. Nếu thực tế cho thấy đã được nhắc nhở, hoà giải nhiều lần, nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình hoặc vẫn tiếp tục sống ly thân, bỏ mặc nhau hoặc vẫn tiếp tục có hành vi ngược đãi hành hạ, xúc phạm nhau, thì có căn cứ để nhận định rằng đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài được.

a.3. Mục đích của hôn nhân không đạt được là không có tình nghĩa vợ chồng; không bình đẳng về nghĩa vụ và quyền giữa vợ, chồng; không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng; không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của vợ, chồng; không giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển mọi mặt.

Như vậy, căn cứ vào văn bản hướng dẫn trên thì chồng bạn có quyền đơn phương ly hôn nếu vợ, chồng vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng như điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, dẫn tới hôn nhân lâm vào một trong các trường hợp: trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được theo điều 8 mục a.1, a.2, a.3 nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP.

Thứ hai: Khi e đồng ý ly hôn thì căn nhà của vợ chồng làm trên đất bố mẹ chồng e có được chia không ( theo nguyện vọng thì e muốn để lại cho hai con). Và nếu ko ly hôn thì bố mẹ chồng e có quyền sang căn nhà đó ở không?

Theo quy định của luật hôn nhân và gia đình 2014. Căn nhà đó là tài sản chung của hai vợ, chồng thì khi ly hôn thì tòa sẽ giải quyết việc chia tài sản chung giữa hai vợ chồng, lúc này tòa sẽ chia đôi tài sản trong đó có căn nhà, nhưng dựa vào:

+,   Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+,   Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+,   Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+,   Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Điều 61. Chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình

1. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà ly hôn, nếu tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình không xác định được thì vợ hoặc chồng được chia một phần trong khối tài sản chung của gia đình căn cứ vào công sức đóng góp của vợ chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung cũng như vào đời sống chung của gia đình. Việc chia một phần trong khối tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận với gia đình; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình mà tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình có thể xác định được theo phần thì khi ly hôn, phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia theo quy định tại Điều 59 của Luật này.

Do căn nhà là tài sản có thể trích ra từ khối tài sản chung để chia nên được chia bằng hiện vật và nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch (Bạn nên để chồng bạn nhận giá trị ngôi nhà và bạn nhận một nữa giá trị ngôi nhà). Và không có sự kiện ly hôn thì căn nhà của vợ chồng bạn thì vẫn là của vợ chồng bạn, bố mẹ bạn không có quyền sang tên căn nhà. Nếu bố mẹ bạn muốn lấy lại toàn bộ mảnh đất thì phải mua lại căn nhà và thanh toán giá trị hợp lý cho vợ chồng bạn.

Thứ ba:  Khi chia con thì em nuôi cháu gái đầu, còn bố nuôi cháu trai, nhưng bố nó ly hôn xong sẽ sang Đức và để lại cho ông bà nuôi thì e có quyền đòi lại con hay ko?E cần làm những thủ tục giấy tờ gì và gửi đến cơ quan nào để đòi lại nhà chung của vc( mặc dù e sẽ ko ở mà đóng cửa lại cho con). Và đòi lại con khi chồng e sẽ lại đi Đức.

Khoản 2 điều 81 luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

“Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”.

Theo quy định trên thì nếu không thỏa thuận được người trực tiếp nuôi con thì tòa xem xét nguyện vọng của con (trong trường hợp này hai bé đều trên 07 tuổi) và  căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con như: điều kiện chăm sóc, giáo dục tốt,...

Tuy khi chồng bạn nhận nuôi đứa bé xong đi Đức, giao đứa bé cho ông bà nuôi nhưng theo quy định thì chồng bạn vẫn là người trực tiếp nuôi con. Trường hợp này bạn có thể đề cập vấn đề với tòa để tòa có thể là một căn cứ để xác định người nuôi con.

Bạn cần có giấy tờ sở hữu nhà (sổ hồng) hoặc có căn cứ chứng minh được căn nhà đó do hai vợ chồng xây dựng (hợp đồng xây dựng, thi công, hóa đơn thanh toán tiền nhà,...) thì nhà đó là của hai vợ chồng, nếu ai đuổi bạn ra thì bạn có thể đến cơ quan công an để giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Hỏi tư vấn về quyền ly hôn đơn phương và tranh chấp tài sản chung của vợ chồng. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ phòng Dịch vụ luật sư tư vấn ly hôn để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo