Hỏi tư vấn về ly hôn và xử lý hành vi khủng bố tinh thần của vợ?
Câu hỏi: Tôi và chị T, quá trình không được tìm hiểu kỹ càng và đã vượt quá giới hạn nên phải cưới cuối năm 200x. Sau khi cưới xong tôi nhận thấy không có tình cảm, tình yêu thương với chị T nên tôi đã nói chuyện để được chia tay nhưng chị T không đồng ý. Khi cưới, vì tôi nghĩ không yêu nên tôi không đi đăng ký kết hôn, không nhập khẩu cho chị T và tôi quyết định sống ly thân từ năm 201x đến bây giờ (201x) không có quan hệ gì và không quan tâm đến việc chị T sống thế nào.
Trong quá trình tôi sống ly thân, chị T và gia đình chị T thường xuyên gây phiền hạ như ghen tuông, chửi bới, xúc phạm đến danh dự tôi và gia đình, người thân của tôi vì tôi bỏ chị ta và dùng mọi cách không muốn cho tôi bỏ, kể cả đập phá cửa, tủ cá nhân, đồ đạc riêng của tôi.
Năm 201x, tôi viết đơn xin ly hôn gửi Tòa án nhân dân theo thẩm quyền và được Tòa cho tôi ly hôn với chị T với lý do hôn nhân trầm trọng. Trong thời gian này tôi, gia đình và những người thân của tôi, kể cả đồng nghiệp thường bị chị T và gia đình quẫy phiền, còn cho người đe dọa xử lý tôi tại Tòa án.
Sau đó 15 ngày chị T có đơn kháng án và được Tòa án cấp phúc thẩm xử bác đơn ly hôn của tôi với lý do tình trạng hôn nhân chưa trầm trọng và tôi có dấu hiệu quan hệ ngoài luồng, cho thời gian đoàn tụ.
(Những lần hòa giải tôi đều viết đơn xin được xử vắng mặt và giữ nguyên nội dung đơn muốn ly hôn, trừ 02 lần hòa giải đầu tôi có mặt nhưng bị khủng bố ngay tại Tòa, lí do vắng mặt là chị T và gia đình chị ta thuê xã hội đen đe dọa, hành hung hoặc giết tôi).
Nay tôi xét thấy không thể hàn gắn, đoàn tụ, vì tôi không hề có tình cảm gì với chị T và cuộc sống hôn nhân của chúng tôi không thể kéo dài. Tôi muốn ly hôn không vì mục đích gì khác chỉ vì mục đích hôn nhân không đạt được.
Tuy nhiên, Bản án cấp phúc thẩm lại bác đơn ly hôn của tôi với lý do tình trạng hôn nhân chưa đến mức trầm trọng và có có quan hệ ngoài luồng....cho thời gian đoàn tụ và sau 01 năm tôi mới được viết đơn xin ly hôn.
Thưa luật sư! Tôi muốn được tư vấn rằng theo quy định ghi trong bản án của cấp phúc thẩm như trên có đúng quy định hay không? Thời gian nào tôi mới được viết đơn xin ly hôn? Cơ sở nào ghi tôi có quan hệ ngoài luồng? chưa có xác minh cụ thể chỉ nghe chị T nói.
Chúng tôi có một đứa con gái, khi ly hôn trách nhiệm cấp dưỡng thế nào, bao nhiêu?
Từ trước đến giờ chị T và gia đình chị T ngày một tăng tần số quẫy phiền, khủng bố tinh thần...Vậy tôi càng mong muốn ly hôn càng sớm càng tôt. Vậy tôi phải làm gì? Kính mong nhận được những tư vấn đúng tinh thần, trách nhiệm để tôi có cách cư xử đúng mực và được ly hôn. Tôi xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Thứ nhất, về quy định ghi trong bản án cấp phúc thẩm
Khi Tòa án cấp phúc thẩm bác đơn yêu cầu của bạn và quyết định trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật thì bạn mới có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Quyết định này hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Cụ thể, tại Điểm c Mục 10 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định:
“ Cần chú ý là tuy pháp luật tố tụng chưa quy định, nhưng đối với người có đơn yêu cầu xin ly hôn mà bị Toà án bác đơn xin ly hôn thì sau một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án bác đơn xin ly hôn có hiệu lực pháp luật, người đó mới lại được yêu cầu Toà án giải quyết việc xin ly hôn”
- Thứ hai, Tòa án bác đơn với lý do bạn có quan hệ ngoài luồng
Việc chứng minh mối quan hệ ngoài luồng không chỉ dựa vào lời nói từ 1 phía mà còn phụ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ chứng minh khác như: hình ảnh, băng ghi âm, ghi hình, …
Tại Mục 3, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC quy định:
“Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó...”
Theo thông tin bạn cung cấp, Tòa án cấp phúc thẩm mới chỉ dựa vào lời nói của chị T mà đã ra quyết định bác đơn ly hôn của bạn với ly do tình trạng hôn nhân chưa đến mức trầm trọng và có có quan hệ ngoài luồng, như vậy là trái với quy định của pháp luật.
Vậy, thế nào thì được coi là tình trạng hôn nhân trầm trọng?
Tại Điểm a.1 Mục 8 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP quy định:
“Được coi là tình trạng của vợ chồng trầm trọng khi:
- Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau như người nào chỉ biết bổn phận người đó, bỏ mặc người vợ hoặc người chồng muốn sống ra sao thì sống, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ hoặc chồng luôn có hành vi ngược đãi, hành hạ nhau, như thường xuyên đánh đập, hoặc có hành vi khác xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau, đã được bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhắc nhở, hoà giải nhiều lần.
- Vợ chồng không chung thuỷ với nhau như có quan hệ ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình”
Như vậy, với những quy định trên đây, bạn đối chiếu với thực tế cuộc sống vợ chồng của bạn và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.
- Thứ ba, việc ngăn cản bạn yêu cầu ly hôn
Tại Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn: “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”
Như vậy, bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Còn trường hợp chị T có gửi thư đến các cơ quan, đoàn thể cấp tỉnh nhờ can thiệp không cho bạn ly hôn,và gây sức ép công việc. Hành vi này của chị T là vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình. Tại Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình. Cụ thể, Khoản 2 quy định:
“Cấm các hành vi sau đây:
….
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
…”
- Thứ tư, hành vi của chị T như vậy thì bị xử lý thế nào?
Tại Khoản 3 Điều 5 Luật HN&GĐ 2014 quy định: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
Tuy nhiên, tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự… lại không có quy định hình thức phạt và mức phạt cụ thể đối với trường hợp của chị T.
Đối cới hành vi liên tục làm phiền và khủng bố tinh thần của chị T, bạn nên trình báo sự việc với cơ quan Công an Huyện/Quận kèm theo các thông tin, chứng cứ về việc bạn bị làm phiền và đe dọa, khủng bố… để được giải quyết. Tùy vào tính chất, mức độ của từng trường hợp cụ thể mà cơ quan Công an có hình thức xử lý cụ thể.
- Thứ năm, Về nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con sau ly hôn
Về nghĩa vụ cấp dưỡng con sau ly hôn
Tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Về mức cấp dưỡng
Tại điểm b, c Mục 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP quy định:
“b. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thoả thuận. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.
c. Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.”
Như vậy, sau khi ly hôn, bạn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con (trường hợp vợ bạn được quyền nuôi con) và vợ bạn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con (trường hợp bạn được quyền nuôi con). Mức cấp dưỡng sẽ do hai bạn thỏa thuận.
Từ những phân tích trên đây, mong rằng bạn sẽ có những quyết định đhợp lý nhất.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất