Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Dấu hiệu hình sự khi người vay tài sản bỏ trốn thể hiện thế nào?

Nhờ luật sư tư vấn giúp về trường hợp người vay tài sản là tiền bỏ trốn như sau: Tôi có mối quan hệ quen biết với vợ chồng AB. Hai vợ chồng này có xưởng may gia công hàng may mặc xuất khẩu. Tháng 4/201x, B đến nhà tôi hỏi vay 500.000.000 đồng nói là cần mở rộng kinh doanh.

Nhưng tôi mới cho mượn 140.000.000 đồng, có làm hợp đồng vay mượn, với mức lãi suất là 1%/ tháng, thời hạn trả nợ trong hợp đồng là 6 tháng kể từ ngày 17/04/2014 đến 17/10/2014. Tôi đã lấy được 5 tháng tiền lãi. Ngày 17/09/2014 tôi đến nhà lấy tiền lãi thì mới biết được vợ Chồng A đã dọn đi từ ngày 20/08/2014. Tôi đi tìm A nhưng không gặp, tôi làm đơn tố cáo vợ chồng A đến Công an huyện, nơi AB trước khi bỏ trốn đã thuê mở xưởng may và ăn ở tại đó, nhưng Công an huyện thông báo cho rằng đây là vụ việc dân sự và hướng dẫn tôi liên hệ Toà án khởi kiện.

Tôi không đồng ý với Thông báo của Cơ quan CSĐT công an huyện nên tôi làm đơn khiếu nại. Ngày 2/5/2015 tôi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại số 07/QĐ-CSĐT-ĐTTH đề ngày 25/03/2015 của cơ quan điều tra công an huyện. Nội dung bác đơn khiếu nại của tôi và yêu cầu tôi nộp đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân để được giải quyết.

Tôi không đồng ý và tiếp tục khiếu nại đến Viện kiểm sát huyện và tôi nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát bác đơn khiếu nại của tôi và thông báo “đây là quyết định cuối cùng”

Tôi rất bức xúc và cho rằng Cơ quan công an huyện và Viện kiểm sát huyện đã không xem xét các chứng cứ mà tôi đã cung cấp: 

1- Đĩa ghi âm ông G chú họ của A cho tôi biết là hiện nay A đã bỏ trốn, tôi hỏi sao ông biết ông G nói rằng do ba của A điện thoại báo cho ông G biết

2- Đĩa ghi âm bà X chủ nhà A thuê ăn ở và làm xưởng may gia công , bà cho tôi biết AB bỏ trốn ngày 20/08/2014 lúc nửa đêm bà X cũng không biết hôm sau mới nghe nói lại A còn nợ tiền nhà tiền điện chưa trả hết.

Tôi cũng đã nộp đơn khởi kiện dân sự tại Toà án huyện đến nay chưa nhận được thông tin gì của toà án.

Xin luật sư cho tôi hỏi vụ việc này có dấu hiệu hình sự không ? Và tôi phải làm gì tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Xin cám ơn luật sư!

Hỏi tư vấn về dấu hiệu hình sự khi người vay tài sản bỏ trốn

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về dấu hiệu hình sự trong việc vay tiền sản

Trong trường hợp của bạn anh Vinh và chị Loan đã bỏ đi và còn nợ của anh 1 tháng tiền nhà và tiền lãi, việc bỏ đi của anh Vinh và chị Loan là dấu hiệu bất thường khi không có sự báo trước cho chủ nhà cũng như người cho vay nợ là anh và hiện tại cũng không có thông tin gì về nơi cư trú của 2 người này vì vậy có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điều 140 Bộ luật hình sự 2009 về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản...".

Do đã có dấu hiệu vi phạm hình sự trong trường hợp này anh làm đơn đến cơ quan Công an huyện Hóc Môn trình báo sự việc là có cơ sở. Trường hợp này, đĩa ghi âm mà anh gửi đến cơ quan công an có thể coi là nguồn chứng cứ và được xem xét để điều tra tuy nhiên băng ghi âm của anh còn phải thỏa mãn theo quy định tại điều 83 Bộ luật tố tụng dân sự 2004:

"Các tài liệu nghe nhìn được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan việc thu âm, thu hình đó”.

Và ngoài ra, đĩa ghi âm của anh cũng không có thông tin về nơi ở hiện tại của vợ, chồng anh Vịnh, chị Loan nên việc anh cho rằng cơ quan công an và Viện kiểm sát huyện Hóc Môn không xem xét chứng cứ của mình là không có cơ sở.

Vì vậy, trong trường hợp này anh có thể làm đơn khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp tỉnh về quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát huyện Hóc Môn. Khi đó, quyết định giải quyết khiếu nại của Viện kiểm sát cấp trên sẽ là quyết định cuối cùng theo quy định tại điều 330 BLTTHS 2003:

"Điều 330. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng và Viện trưởng Viện kiểm sát

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết cuối cùng".

Ngoài ra, anh nên tiếp tục tìm kiếm thêm những thông tin về 2 người bỏ trốn để quá trình điều tra của cơ quan Công an diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Về thời gian giải quyết vụ án theo tranh chấp dân sự

Do đây là tranh chấp về hợp đồng hợp vay tài sản quy định tại điều 25 BLTTDS 2004 nên thời hạn xét xử kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn có thể là bốn tháng theo quy định tại điều 179 BLTTDS 2004:

"Điều 179. Thời hạn chuẩn bị xét xử

1. Thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án được quy định như sau:

a) Đối với các vụ án quy định tại Điều 25 và Điều 27 của Bộ luật này, thời hạn là bốn tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án".

Sau khi kết thúc thời hạn này Tòa án có thể có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Từ thời điểm có quyết định này đến khi vụ án được xét xử tối đa không quá 2 tháng.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Dấu hiệu hình sự khi người vay tài sản bỏ trốn. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo