Triệu Lan Thảo

Hồi hương là gì? Thủ tục hồi hương quy định thế nào?

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được về Việt Nam đăng ký thường trú không? Trình tự, thủ tục được quy định như thế nào? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến vấn đề thủ tục hồi hương qua tình huống sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Cư trú

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mong muốn, nhu cầu quay trở lại Việt Nam đăng ký thường trú. Để tìm hiểu về vấn đề này, anh/chị có thể tham khảo Luật Cư trú 2006 và các văn bản pháp luật liên quan hoặc liên hệ với Luật Minh Gia chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Ngoài ra anh/chị có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để vận dụng linh hoạt vào trường hợp của mình.

2. Tư vấn thủ tục hồi hương

Câu hỏi tư vấn: Tôi là công dân việt nam tại nước X. Tôi đã hết hợp đồng với công ty 5 tháng nay không có việc làm tôi đã đăng kí nguyện vọng hồi hương mà không được xét duyệt dịch càng bùng phát ở bên nước sở tại hơn nghìn ca nhiễm một ngày. Mẹ tôi già yếu bà bệnh tật không làm được gì tôi rất mong để sớm được về chăm sóc mẹ tôi. anh chị tôi lập gia đình hết rồi bố tôi mất 8 năm rồi. mẹ tôi đã 72 tuổi rồi. Giờ tôi muốn viết đơn ở xã về hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn và tôi không có việc làm muốn được về nước khi không có việc làm chi phí sinh hoạt đắt đỏ. tôi rất mong được sự giúp đỡ và cho tôi ý kiến.

Nội dung tư vấn: Chào anh/chị, cảm ơn anh/chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của anh/chị, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, về đối tượng được hồi hương

Thủ tục hồi hương hay còn gọi là thủ tục đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu về Việt Nam thường trú. Bao gồm:

- Là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu nước ngoài về Việt Nam đăng ký thường trú;

- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không có hộ chiếu nước ngoài;

- Có giấy thường trú do nước ngoài cấp.

Thứ hai, về trình tự, thủ tục xin hồi hương

Trước tiên, anh/chị cần chuẩn bị hai bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau đây theo quy định tại mục A Chương II Thông tư liên tịch số 03/VBHN-BCA hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam:

Một là, đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu);

Hai là, bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

Ba là, bản sao một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam:

- Giấy khai sinh; trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;

- Giấy chứng minh nhân dân;

- Hộ chiếu Việt Nam;

- Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi;

- Giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp xác nhận đương sự còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch.

Bốn là, 03 ảnh mới chụp cỡ 4 x 6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính mầu (02 tấm dán vào đơn đề nghị và 01 tấm để rời);

Năm là, một trong những giấy tờ sau đây chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam:

Đối với người đã được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

Bản sao một trong những giấy tờ sau đây chứng minh chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu) như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở; giấy tờ về mua, bán, tặng, cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở; Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ của Toà án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật.

Đối với người có nhà ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân:

- Bản sao hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở của cá nhân (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu);

- Văn bản chứng minh người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho người đó đăng ký thường trú;

- Bản sao giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhà ở của người cho thuê, mượn, ở nhờ (hoặc bản chụp kèm theo bản chính để kiểm tra, đối chiếu).

Trong một số trường hợp đặc biệt, anh/chị cần chuẩn bị thêm các giấy tờ sau:

Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương ngoài giấy tờ nêu trên trong hồ sơ còn phải có một trong giấy tờ sau đây chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương (quy định tại khoản 1, 2 và 4 của Điều 20 Luật Cư trú):

 Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài có chỗ ở hợp pháp phải có một trong giấy tờ sau chứng minh đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên:

- Giấy tờ về tạm trú có thời hạn hoặc xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn về thời hạn tạm trú;

- Sổ tạm trú hoặc xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn về thời gian đăng ký tạm trú.

Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình phải có một trong giấy tờ sau chứng minh mối quan hệ ruột thịt giữa hai người:

- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

- Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;

- Người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có đủ khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ;

- Người chưa thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại;

Trường hợp không còn giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt nêu trên, thì người bảo lãnh phải có đơn giải trình và được UBND cấp xã nơi người đó có hộ khẩu thường trú xác nhận.

Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về đăng ký thường trú tại cơ sở tôn giáo tại Việt Nam và hoạt động tôn giáo, thì phải có ý kiến bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở tôn giáo đó đồng ý cho người đăng ký thường trú, kèm theo giấy tờ chứng minh là chức sắc tôn giáo, nhà tu hành hoặc người người chuyên hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, và ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam về tôn giáo chấp thuận cho người đó về Việt Nam hoạt động tôn giáo.

Sau khi chuẩn bị hai bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ trên, anh/chị sẽ nộp hồ sơ tại một trong những cơ quan sau:

- Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú;

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú.

Thứ ba, về thời hạn giải quyết

Theo quy định tại mục C Chương II Thông tư liên tịch số 03/VBHN-BCA hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam thì tùy vào cơ quan anh/chị nộp hồ sơ có thời hạn giải quyết khác nhau:

Trường hợp 1: Anh/chị nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ phải gửi 01 bộ hồ sơ (bản chính) kèm theo ý kiến nhận xét về Cục Quản lý xuất nhập cảnh và trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (được về Việt Nam thường trú hoặc lý do không được về Việt Nam thường trú), cơ quan đại diện Việt Nam phải thông báo bằng văn bản kết quả cho người đề nghị về thường trú.

Trường hợp 2: Anh/chị nộp tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh: trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (nhận ở trong nước hay do cơ quan đại diện Việt Nam chuyển về), phải hoàn thành việc xem xét, giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam thường trú;

Trường hợp 3: Anh/chị nộp tại Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Công an tỉnh phải gửi hồ sơ kèm theo ý kiến nhận xét, đề xuất về Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề anh/chị yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác anh/chị vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn