Hỏi đáp về khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân

Luật sư tư vấn về việc khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân theo họ mẹ và không khi tên người cha. Nội dung tư vấn như sau:

Tôi là cán bộ Hội bảo vệ quyền trẻ đang giúp một người làm khai sinh cho con nhưng gặp trường hợp khó khăn, cán bộ tư pháp phường không cho chị ấy đăng ký khai sinh. Nguyên nhân như sau: Hai vợ chồng chị ấy sống không hòa thuận, anh có vợ khác, chị đi lấy một người khác và sinh một bé trai tháng 10/2016 và đến tháng 02/2017 thì tòa án giải quyết ly hôn. Nay chị ấy mang giấy chứng sinh đến UBND phường để làm khai sinh theo họ mẹ cho con thì UBND buộc phải ghi tên cha đứa trẻ là chồng cũ của chị ấy và lấy họ cha mới cho làm khai sinh. Cán bộ UBND phường giải quyết như vậy có đúng không? Nếu không đúng thì trích dẫn điều khoản nào để giúp cho trẻ em đó có được giấy khai sinh để đảm bảo quyền lợi cho trẻ. Kính mong Luật sư quan tâm giúp đỡ. Xin cám ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến công ty Luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 88 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về xác định cha mẹ quy định như sau:

“1.Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.

2.Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.”

Em bé được sinh ra lúc quan hệ hôn nhân giữa hai vợ chồng vẫn chưa chấm dứt nên dù trên thực tế bé là con riêng của người vợ và người chồng mới nhưng về mặt pháp lý thì bé là con chung của hai vợ chồng do sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên người chồng được xác định là cha của bé và được thực hiện quyền làm cha của mình, trong đó có quyền đứng tên người cha trong Giấy khai sinh của con.

Về pháp lý thì bé trai là con chung của hai vợ chồng nên giấy khai sinh của bé phải ghi đầy đủ tên cả cha lẫn mẹ, trừ trường hợp anh chồng không nhận cháu bé là con của mình thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp về xác định cha cho con tại Tòa án.

Như vậy, Cán bộ UBND phường giải quyết như thế là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, người mẹ vẫn có thể khai sinh cho con mang họ mẹ, để trống tên cha nếu người chồng cũ làm thủ tục không nhận đứa bé là con của mình, thủ tục này bạn có thể tìm hiểu tại điều 101 và điều 102 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

Sau khi người chồng cũ làm thủ tục không nhận con thì chị vợ có thể viện dẫn quy định của pháp luật tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch để đăng ký khai sinh cho con theo đúng nguyện vọng của mình.

“Điều 15. Đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ

1. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169